Chủ tịch Đèo Cả: Trách nhiệm, đồng hành cùng phát triển, dựng xây đất nước
Đầu tư - Ngày đăng : 18:45, 12/01/2024
Đó là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả với lãnh đạo của gần 20 doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu để chuẩn bị xúc tiến đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức đối tư (PPP) tại Hội nghị Nhà thầu do doanh nghiệp này tổ chức. Tinh thần chung được Đèo Cả hướng đến là hợp tác, trách nhiệm vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước.
Tiếp tục áp dụng mô hình 3P cải tiến
Mở đầu hội nghị, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, Tập đoàn Đèo Cả đang xúc tiến đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là dự án sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
"Dù chưa biết có trúng hay không nhưng chúng tôi muốn nghe nguyện vọng của các doanh nghiệp để Tập đoàn Đèo Cả có phương án chuẩn bị xúc tiến đầu tư dự án này trong thời gian tới" - ông Hoàng cho biết.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, trường hợp được lựa chọn làm nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả sẽ áp dụng mô hình đầu tư 3P++ ở cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giống như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vừa khởi công ngày 01/01/2024 vừa qua.
Chia sẻ về mô hình thực hiện dự án này, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, P1 (vốn ngân sách nhà nước) hiện nay dự án đã được cơ quan có thẩm quyền ghi vốn 6.000 tỷ đồng; P2 (vốn chủ sở hữu) do Tập đoàn Đèo Cả và các doanh nghiệp tham gia làm nhà đầu tư góp vốn; P3 (vốn huy động) ngân hàng TP Bank đã cam kết tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án, còn lại 1.923 tỷ đồng sẽ huy động bằng hình thức hợp đồng kinh doanh (BCC) do Tập đoàn Đèo Cả và các doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Ông Vĩnh cũng thông tin về dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 60km, tổng mức đầu tư khoảng 11.029 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Ngân sách nhà nước 5.500 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 3.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 2.000 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 49,57% tổng mức đầu tư và 5.529 tỷ đồng vốn đầu tư BOT, chiếm 50,03% tổng mức đầu tư. Trong phần vốn đầu tư BOT, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.106 tỷ đồng, chiếm 20% vốn BOT, còn lại vốn huy động khoảng 4.423 tỷ đồng, chiếm 80% vốn BOT.
Theo tính toán của Tập đoàn Đèo Cả, trong cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án (11.029 tỷ đồng) sẽ dùng 1.728 tỷ đồng để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng; 6.840 tỷ đồng chi cho công tác xây dựng, thiết bị; 389 tỷ đồng chi cho công tác quản lý dự án, tư vấn; 625 tỷ đồng chi trả lãi vay trong giai đoạn thi công, còn lại 1.447 tỷ đồng là chi phí dự phòng của dự án.
Phân cấp nhà đầu tư
Để huy động các doanh nghiệp khác cùng tham gia đầu tư vào dự án, Tập đoàn Đèo Cả đưa ra 3 cấp độ kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau của nhà đầu tư ở từng cấp, gồm: Nhà đầu tư "kiên định" (tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án) được trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án và được hưởng các quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định, được ưu tiên lựa chọn phạm vi thi công, đăng ký khối lượng thi công phù hợp với phạm vi tham gia và năng lực công ty.
Nhà đầu tư "bắc cầu" (tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án) đầu tư vào dự án thông qua nhà đầu tư Đèo Cả (ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng BCC) và được hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng BCC, được nhận khối lượng tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án (không quá 1.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư "tiềm năng" (tham gia từ gia đoạn thực hiện dự án) được xem xét tham gia đầu tư vào các dự án trong tương lai, được giao khối lượng thi công phù hợp với năng lực (không quá 500 tỷ đồng).
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nếu được lựa chọn làm nhà đầu tư, dự kiến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ khởi công xây dựng vào ngày 31/3/2024 và hoàn thành vào cuối năm 2026.
Doanh nghiệp cùng nhau phát triển
Tiếp tục nhắc lại quan điểm nếu các doanh nghiệp có ý định hợp tác cùng Tập đoàn Đèo Cả ở cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thì đừng mơ mộng vào dự án để chia chác, xí phần việc làm, ông Hoàng nhấn mạnh: "Đại diện các doanh nghiệp có vấn đề gì chưa rõ cứ trao đổi thẳng thắn".
Đại diện cho doanh nghiệp từng gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả trong liên danh nhà đầu tư ở dự án PPP hầm đường bộ qua Đèo Cả, ông Dương Ngọc Quang - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chia sẻ: "Thời điểm làm dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 21 nghìn tỷ đồng cũng áp dụng mô hình 3P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư... Dự án được đầu tư trong bối cảnh khung pháp lý về PPP còn sơ sài, các nhà đầu tư xoay sở mãi cũng mới góp được hơn 2.000 tỷ đồng, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên lúc đó rất phân tán, nhưng cuối cùng dự án cũng đã thành công và hiện nay dự án đã bắt đầu đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư".
Nhìn lại thành công của dự án hầm đường bộ Đèo Cả, bình luận về mô hình huy động vốn ở dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Quang nói: "Đây là sự vận dụng rất độc đáo, sáng tạo khi trách nhiệm và lợi nhuận của các nhà đầu tư được phân chia rất rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt là các chủ thể tham gia dự án đều gắn bó chặt chẽ với nhau, tôi tin chắc mô hình này sẽ thành công".
Đại diện một doanh nghiệp khác từng gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả ở dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, ông Phí Ngọc Quang - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lizen đề xuất Tập đoàn Đèo Cả xem xét để Lizen tham gia vào dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tỷ lệ 15%. "Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả đến tận cùng dự án để các bên cùng phát triển" - ông Quang nhấn mạnh.
Tiếp lời, ông Nguyễn Bá Khương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng công trình 568 cam kết sẽ tham gia 3.000 tỷ đồng vào dự án nếu được chọn đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả. "Mô hình thực hiện dự án này quá ưu việt, minh bạch, rõ ràng và phù hợp với doanh nghiệp chúng tôi. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, chúng tôi cam kết với Tập đoàn Đèo Cả sẽ thực hiện dự án vượt tiến độ đề ra" - ông Khương cho biết.
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị khác như: Công ty TNHH Thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh, Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Trung Thành, Tổng công ty Xây dựng Hoàng Long, Công ty TNHH Đồng Thuận Hà… đều đánh giá cao mô hình dự kiến triển khai ở cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và cam kết sẽ đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả với vai trò là các nhà đầu tư: Kiên định, bắc cầu, tiềm năng. Giám đốc TP Bank khẳng định: "Đèo Cả là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đại diện cho ngân hàng đang cấp vốn tín dụng khoảng 1.700 tỷ đồng cho Tập đoàn Đèo Cả thực hiện ở dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Đinh Tiến Đức - Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong - Chi nhánh Thăng Long đánh giá cao năng lực và sự chuyên nghiệp của Tập đoàn Đèo Cả trong quá trình thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
"Cách quản trị của doanh nghiệp rất bài bản và chuyên nghiệp, hồ sơ thanh toán để giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là phần vốn góp của nhà nước (VGF) ở dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đều được Tập đoàn Đèo Cả thực hiện rất nhanh chóng và đầy đủ, khác hẳn với nhiều đơn vị khác có năng lực yếu phải làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn không thể giải ngân được" - ông Đức đánh giá.
Theo đó, "TP Bank xác định tài trợ cho Đèo Cả là tài trợ trọn gói từ nhà thầu chính cho đến các nhà thầu phụ và công tác giải ngân sẽ được tiến hành đồng loạt với thời gian ngắn nhất", ông Đức nói và cho biết, TP Bank cam kết đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và các dự án tiếp theo./.