Bà Rịa – Vũng Tàu thu ngân sách vượt dự toán

Kinh tế - Ngày đăng : 16:53, 13/01/2024

(BKTO) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 89.506 tỷ đồng, đạt 101% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và đạt 102,5% so với dự toán Trung ương giao là kết quả khả quan.
vung-tau-131.jpg
Năm 2024, theo dự toán, tổng thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 88.600 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 32.732,3 tỷ đồng. Ảnh: ST

Thu ngân sách vượt dự toán, tiết kiệm được 315,32 tỷ đồng

Ông Trương Kim Tân - Phó Giám đốc Sở Tài chính Bà Rịa – Vũng Tàu - cho biết, năm 2023 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là 89.506 tỷ đồng, đạt 101% so với dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao và đạt 102,5% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu từ dầu thô 33.181 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 16.863 tỷ đồng; thu nội địa 39.471 tỷ đồng.

Ông Tân cho rằng, đây là con số rất khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước và kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn. Kết quả này cũng thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh; nỗ lực của các ngành, địa phương, trong đó có sự đóng góp của ngành tài chính.

Năm 2023, Sở Tài chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý việc chấp hành, sử dụng ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách cấp tỉnh; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố.

Qua công tác thẩm tra quyết toán và thẩm định dự toán, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 315,32 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Tài chính là một trong những đơn vị tham mưu giải quyết hồ sơ đảm bảo kịp thời gian. Tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trực tuyến là 781/781 hồ sơ (đạt 100%).

Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng chỉ số công khai ngân sách (POPI) năm 2022 (được xác định vào năm 2023), Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục giữ vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cuộc xếp hạng do Trung tâm Phát triển và hội nhập và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức).

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh là 26.665 tỷ đồng, bằng 86,5% so với dự toán. Trong đó chi đầu tư phát triển 14.432 tỷ đồng (đạt 90,6%), chi thường xuyên 8.830 tỷ đồng (84,5%), chi bổ sung nguồn cải cách tiền lương 3.339,15 tỷ đồng (88,7%), hoàn trả ngân sách Trung ương 60,94 tỷ đồng (100%).

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách

Năm 2024, ngành tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách 88.600 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương 32.732,3 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - nhận định: Năm 2024, dự kiến tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, cùng với đó Trung ương dự kiến tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024 và dự kiến tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất. Thu ngân sách nhà nước nội địa năm 2024 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến giảm ngay từ khâu xây dựng dự toán là 670 tỷ đồng.

Trước những khó khăn nói trên, để hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2024, bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính tăng cường phối hợp với các cơ quan trong ngành tài chính kịp thời báo cáo; tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị tiếp tục hoàn tất hồ sơ, thủ tục để tổ chức bán đấu giá các cơ sở nhà đất cơ quan hành chính sự nghiệp theo kế hoạch được duyệt, qua đó góp phần bổ sung nguồn thu ngân sách tỉnh để đảm bảo nhiệm vụ chi ngân sách. Tiếp tục thực hiện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo danh mục, kế hoạch thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Lê Ngọc Khánh cũng đề nghị các đơn vị trong tỉnh tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ các biện pháp thu, tập trung phân tích, bám sát nguồn thu chủ lực, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nguồn thu.

Đồng thời, giải quyết vướng mắc các dự án còn tồn đọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển đổi số; cải cách hành chính.../.

MINH ANH