Đà Nẵng: Tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại
Địa phương - Ngày đăng : 21:04, 13/01/2024
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại hiệu quả
Năm 2023, công nghiệp - xuất nhập khẩu Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động chính trị - kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã kết thúc năm với kết quả sản xuất tích cực. Đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp Đà Nẵng đánh giá kết quả này có vai trò quan trọng của Sở Công Thương thành phố với những hỗ trợ thiết thực trong xúc tiến thương mại.
Ông Lê Trí Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng - cho biết, trong năm 2023, hơn 600 hội viên của hội, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn nhận được những thông tin về xúc tiến thương mại kịp thời từ phía Sở Công Thương thành phố. Từ đó, các hội viên chủ động tiếp cận với các chương trình phù hợp theo nhu cầu.
Theo ông Hà Giang - Chủ tịch Hội Cơ khí TP. Đà Nẵng, từ sự hỗ trợ tích cực của Sở Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, ngành Cơ khí Đà Nẵng năm 2023 đã có những khởi sắc. “Từ sự kết nối, hỗ trợ của ngành Công Thương, các doanh nghiệp hội viên cơ khí Đà Nẵng đã tham gia nhiều hội chợ tổ chức tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, doanh nghiệp được hỗ trợ từ 50 - 100% kinh phí tham gia hội chợ, đây là khích lệ rất lớn cho doanh nghiệp”, ông Hà Giang thông tin và cho biết, thông qua Sở Công Thương Đà Nẵng, Hội đã kết nối được với Hiệp hội Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh với kết quả hợp tác bước đầu đang được triển khai tích cực.
Đặc biệt, tại Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng kết hợp Hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ đã giúp nhiều doanh nghiệp cơ khí Đà Nẵng tìm kiếm được đối tác mới; chương trình kết nối tại Hội chợ đã kết nối 4 nhà mua hàng (Mabuchi Motor, Samsung, SOA, Nextern) với 34 nhà cung cấp tiềm năng.
“Khởi nghiệp đối với phụ nữ, với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ luôn rất khó khăn. Nhưng nhờ công tác xúc tiến thương mại từ sự kết nối của Sở Công Thương, nhất là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố đã giúp đơn vị vượt qua khâu khó khăn nhất là thương mại hóa sản phẩm”, bà Lương Anh Thư – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Central Việt Nam chia sẻ.
Đề xuất có nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm công nghiệp Đà Nẵng
Ông Lê Trí Hải cho rằng, Việt Nam hiện là điểm đến chiến lược trong các quốc gia đang phát triển. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Hội mong muốn ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại cho hội viên. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ bán hàng online, offline cho doanh nghiệp để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Đáng chú ý, đại diện Hội Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng đề xuất nên có một nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp Đà Nẵng. “Doanh nghiệp thành phố mong muốn sẽ có một nơi trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp Đà Nẵng để tăng hiệu quả kết nối cung cầu”, ông Lê Trí Hải nói.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Cơ khí TP. Đà Nẵng cho biết doanh nghiệp cơ khí thành phố rất sáng tạo, có những sản phẩm rất tốt nhưng công tác kết nối cung cầu còn chưa thực sự hiệu quả. “Nên chăng có một điểm trưng bày, giới thiệu để quảng bá được sản phẩm công nghiệp Đà Nẵng”, ông Hà Giang bày tỏ, đồng thời mong muốn, trong năm 2024, ngành Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại để giải được “bài toán” đầu ra cho sản xuất.
Chế biến, xuất khẩu gỗ là ngành đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm 2023 khi người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu. Ông Trương Phi Cường - Đại diện Hiệp hội Gỗ - Lâm nghiệp Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh khó khăn đó, ngành Công Thương đã hỗ trợ các đơn vị thành viên tham gia các hội chợ và có kết quả rất khả quan.
Theo ông Cường, năm 2024, dự báo tình hình kinh tế sẽ còn nhiều thách thức, xuất khẩu gỗ sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cước vận tải hiện đang tăng mạnh do xung đột tại Biển Đỏ. Vì vậy, doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Công Thương trong công tác đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
“Chúng tôi mong muốn Sở Công Thương sẽ có những chương trình, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp của thành phố lồng ghép với các sự kiện lớn, sự kiện quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng để doanh nghiệp tăng cơ hội giao thương” - đại diện Hiệp hội Gỗ - Lâm nghiệp Đà Nẵng đề xuất.
Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - cho biết, trong năm 2024, sở sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, sẽ rà soát, nghiên cứu, tham mưu bổ sung hoặc ban hành mới chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương, nhằm tháo gỡ những bất cập trong hoạt động này như một số nội dung và định mức hỗ trợ không còn phù hợp, thiếu các quy định cụ thể phát triển ngoại thương.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, Chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, phát động các chương trình khuyến mãi, các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng.
Phối hợp tốt với đầu mối Bộ Công Thương, các cơ quan đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến xuất khẩu. Tham mưu tổ chức các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu giữa doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp nước ngoài đạt hiệu quả, chất lượng; trong đó nghiên cứu lựa chọn 1- 2 thị trường trọng điểm để ưu tiên tổ chức các hoạt động xúc tiến xuất khẩu./.