Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều rào cản ở khu vực nông thôn

Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 08/10/2018

(BKTO) - Hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được xác lập và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, việc triển khai hình thức thanh toán này không hề dễ dàng, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, bởi vẫn còn những rào cản về nhận thức cũng như thói quen của người dân.


Rào cản từ tâm lý, thói quenvà điều kiện tiếp cận dịch vụ

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, hiện nay, việc phát triển TTKDTM ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Số liệu trên cho thấy, việc phát triển TTKDTM hướng tới mục tiêu năm 2020, tiền mặt chỉ xuất hiện ở mức thấp hơn 10% trên tổng phương diện thanh toán theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gặp nhiều thách thức.

Theo ông Nam, nguyên nhân khiến việc TTKDTM chưa phát triển ở nông thôn là do đại bộ phận người dân tại khu vực này chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Mặt khác, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của người dân nên việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bổ chưa đều, hệ thống máy ATM được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn. Theo số liệu thống kê không chính thức, nếu không tính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại bình quân/1 đơn vị hành chính cấp huyện chỉ ở mức 2 - 3 điểm giao dịch ở khu vực nông thôn (huyện, huyện đảo). Trong khi đó, con số này tại các quận/thành phố/thị xã xấp xỉ 40 điểm giao dịch, tức chênh lệch nhau 16,7 lần. Số liệu này đặc biệt thấp tại khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc (0,7 điểm giao dịch/huyện) và khu vực Duyên hải miền Trung (1,3 điểm giao dịch/huyện).

Đặc biệt, một nguyên nhân nữa gây khó khăn cho quá trình phát triển TTKDTM đến từ tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hiện nay, có tới hơn 50% người dùng bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh khi thực hiện các giao dịch điện tử thay vì sử dụng tiền mặt.

Cần thay đổi nhận thức của người dân

Để đẩy mạnh phát triển TTKDTM ở nông thôn, ông Nam đề xuất, trước hết, các cơ quan chức năng phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương thức thanh toán này. Nếu người dân hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng. Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động TTKDTM hiện nay trong nền kinh tế sẽ khiến khách hàng nắm được ưu, nhược điểm của từng hình thức rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và giúp cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) Lê Thị Thúy Sen cũng khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông về TTKDTM. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 đề án TTKDTM và các nội dung tuyên truyền của NHNN cũng được xây dựng bám sát các đề án này. NHNN sẽ tập trung hướng tới các địa bàn vùng sâu, vùng xa là những đối tượng ít hiểu biết về tài chính; đồng thời, giới thiệu dịch vụ ngân hàng tiết kiệm, vay vốn, thanh toán online, an ninh, an toàn, bảo mật… gần gũi nhất để truyền tải các tiện lợi của TTKDTM tới người dân.

Trong khi đó, dưới góc độ ngân hàng, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank Nguyễn Việt Hải kiến nghị, NHNN cùng các cơ quan liên quan nên nghiên cứu cơ chế tính phí để hạn chế các giao dịch tiền mặt (như phí rút tiền mặt tại ATM, quầy giao dịch ...).

Cùng với đó, các cơ quan này cần có chính sách định hướng khuyến khích người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ hiện đại (điện thoại di động, internet, dịch vụ 3G, 4G...) để có thể tiếp cận các dịch vụ TTKDTM qua các kênh ngân hàng hiện đại như dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại hay internet.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 04-10-2018