Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn
Kinh tế - Ngày đăng : 17:46, 17/01/2024
TP. Hồ Chí Minh hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics cả nước. Thành phố cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của Việt Nam với khoảng 2.700 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, logistics, qua đó giúp TP. Hồ Chí Minh duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu về logistics trong khu vực và cả nước.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bố lần đầu tiên, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics, góp phần quan trọng thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, tạo động lực và mở rộng dư địa cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Trong Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của Thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế; góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10-15%.
Chuyên gia cho rằng, để đón đầu các cơ hội trong dịch chuyển chuỗi cung ứng, TP. Hồ Chí Minh cần hành động nhanh và tập trung hơn vào việc hoàn thiện hệ thống logistics, gồm hạ tầng giao thông đường bộ, nạo vét các kênh rạch, luồng lạch ra vào cảng.
Theo các nhà chuyên môn, TP. Hồ Chí Minh cần phải hành động nhanh hơn, mạnh hơn trong lĩnh vực logistics chứ không chỉ dừng lại ở việc xác định vai trò và xây dựng đề án mà sau nhiều năm vẫn chưa triển khai thực hiện được.
Để cải thiện hoạt động logistics, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hạ tầng kết nối thông qua quy hoạch các tuyến cao tốc, quốc lộ, hệ thống ICD, cụm cảng, bến thủy nội địa, các tuyến đường giao thông kết nối cảng với các khu công nghiệp. Sớm có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư các trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn (Long Bình, Cát Lái-Phú Hữu, Linh Trung, Tân Kiên, Củ Chi, Hiệp Phước, Khu Công nghệ cao).
Khi triển khai xây dựng mạng lưới trung tâm logistics, Thành phố cần nghiên cứu kỹ và tối ưu hóa khả năng kết nối giữa các tuyến đường vận chuyển với hệ thống kho, bãi để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp./.