Tỷ lệ lạm phát của Italy giảm mạnh trong năm 2023

Kinh tế - Ngày đăng : 18:09, 17/01/2024

(BKTO) - Trong một diễn biến tích cực cho nền kinh tế châu Âu, Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) và Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) đã công bố những con số lạm phát giảm mạnh, tạo hy vọng cho sự phục hồi kinh tế sau những khó khăn gần đây.

Dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Italy

italy.jpg
Italy đã thực hiện các biện pháp chống lạm phát nhằm giảm giá tiêu dùng nhóm hàng nhu yếu phẩm - Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT), tỷ lệ lạm phát trung bình của Italy năm 2023 đã giảm xuống còn 5,7%, một sự sụt giảm đáng kể so với mức 8,1% của năm 2022. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ khi quốc gia này chuyển sang sử dụng đồng euro vào năm 1999.

Tỷ lệ lạm phát năm 2023 của Italy giảm là do giá năng lượng giảm 41,6% khi có sự điều tiết của chính phủ và giảm 21,1% khi không có sự điều tiết. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát 5,7% vẫn cách khá xa mục tiêu dài hạn 2% của nước này.

Trong quý 4/2023, Italy đã thực hiện các biện pháp chống lạm phát nhằm giảm giá tiêu dùng nhóm hàng nhu yếu phẩm.

Trước đó, trong bài phát biểu cuối năm ngày 4/1, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ phát triển vượt xa nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nói chung vào năm 2024.

ISTAT dự báo nền kinh tế Italy sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp của ISTAT cũng cho thấy một dấu hiệu tích cực vào cuối năm, với “sự cải thiện trên diện rộng.”
Trong tháng 12/2023, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Italy cũng đã tăng lên, với mức niềm tin người tiêu dùng đạt 106,7 điểm và niềm tin kinh doanh tăng lên 107,2 điểm.

Trước đó, tháng 11/2023, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's của Mỹ đã mức xếp hạng tín dụng của Italy là Baa3 và nâng triển vọng của nước này từ "tiêu cực" lên "ổn định" nhờ sức mạnh kinh tế đáng kể.

Trong một thông báo, Moody's nêu rõ: “Quyết định thay đổi triển vọng từ tiêu cực sang ổn định phản ánh viễn cảnh ổn định về sức mạnh kinh tế của Italy, sự vững mạnh của ngành ngân hàng và động lực nợ của chính phủ. Triển vọng kinh tế theo chu kỳ trung hạn tiếp tục được hỗ trợ nhờ việc thực hiện Kế hoạch phục hồi và chống đỡ quốc gia (NRRP). Rủi ro đối với nguồn cung cấp năng lượng đã giảm bớt, một phần nhờ hành động chính sách mạnh mẽ của chính phủ.”

Nền kinh tế Đức suy thoái nhẹ

lam-phat-ukparentslounge.com.jpeg
Lạm phát cao làm giảm sức mua của các hộ gia đình ở Đức - Ảnh minh họa

Tỷ lệ lạm phát trung bình của Đức năm 2023 cũng giảm xuống còn 5,9% từ mức 6,9% năm 2022.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), mức lạm phát 6,9% của năm 2022 là mức lạm phát cao kỷ lục của nước này kể từ khi thống nhất vào năm 1990.

Cũng theo báo cáo thống kê sơ bộ của Destatis cho biết trong năm 2023, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái nhẹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Đức giảm 0,3% so với năm 2022. Như vậy, sau năm đầu tiên đại dịch COVID-19 bùng phát (năm 2020), đây là lần suy giảm thứ hai của nền kinh tế Đức trong thập kỷ này.

Tỷ lệ lạm phát cao, lãi suất tăng và nền kinh tế toàn cầu suy yếu được cho là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức suy giảm.

Lạm phát cao làm giảm sức mua của các hộ gia đình, do đó kìm hãm tiêu dùng - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Để ứng phó lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhiều lần tăng lãi suất, đưa mức lãi suất lên cao nhất trong lịch sử. Điều này ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng. Nhu cầu mua nhà của người dân Đức sụt giảm mạnh do chi phí tài chính đắt đỏ.

Chủ tịch Destatis, ông Ruth Brand, nhấn mạnh lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn ở mức cao do giá thực phẩm đặc biệt tăng mạnh, trong khi giá năng lượng vẫn tăng 5,3% so với năm trước mặc dù Chính phủ Đức đã áp dụng các biện pháp nhằm kìm hãm mức tăng giá năng lượng.

Trong báo cáo kinh tế mới đây, Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu (BMWK) của Đức cho rằng tỷ lệ lạm phát có thể sẽ chịu ảnh hưởng của các biện pháp thuế và tài chính.

BMWK nêu rõ mặc dù có những yếu tố giúp giảm lạm phát như giá sản xuất và nhập khẩu giảm, song chính sách siết chặt tiền tệ của  ECB và các thỏa thuận tiền lương sẽ tiếp tục gây tác động trong cả năm 2024.

ECB khó giảm lãi suất vì rào cản lạm phát

ecb.jpg
ECB có thể không cắt giảm lãi suất vào năm 2024 do lạm phát cao dai dẳng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm 2024, do áp lực từ lạm phát cao dai dẳng. Đây là thông tin được ông Robert Holzmann, thành viên Hội đồng ECB, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

ECB đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trở lại trong tháng 12/2023, lên 2,9% từ mức 2,4% trong tháng 11. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu ECB có nên giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế hay không, khi mà rủi ro lạm phát vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng. 

Ông Holzmann, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo, mô tả xu hướng đang diễn ra là “chuyển động đi ngang.” Ông lặp lại lời Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Nhà kinh tế trưởng Philip Lane khi cho rằng "còn quá sớm để nói về việc cắt giảm lãi suất."

Tuy nhiên, những người khác lại cởi mở hơn trong việc suy đoán về việc cắt giảm lãi suất. Ông Joachim Nagel, một thành viên khác của Hội đồng quản trị ECB và là Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Bundes Bank, đã tham gia cùng nhiều quan chức khác đang xem xét khả năng cắt giảm lãi suất vào mùa Hè này.

Các nhà phân tích cho rằng ECB đang bị chia rẽ về vấn đề này và xu hướng kinh tế của Eurozone đang bắt đầu thay đổi.

Ông Nagel cho biết kỳ nghỉ Hè có thể là thời điểm thích hợp để đánh giá liệu tăng trưởng kinh tế và lạm phát có giảm đủ để đảm bảo cho việc ECB điều chỉnh chính sách hay không.

Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Bồ Đào Nha Mario Centeno dự đoán rằng việc cắt giảm lãi suất của ECB sẽ đến sớm hơn dự kiến, đồng thời nói thêm rằng ngân hàng này không nên đợi đến tháng 5/2024 mới đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Hy Lạp Yannis Stournaras và người đồng cấp của Latvia, Martins Kazaks, nói rằng giữa năm 2024 có thể là thời điểm thích hợp để bắt đầu hạ lãi suất.

ECB có thể phải đối mặt với một môi trường phức tạp hơn nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chọn cắt giảm lãi suất vào năm 2024, điều mà các nhà phân tích cho rằng Fed đang chuẩn bị thực hiện./.

Nam Sơn