Thái Lan: Vai trò của SAI trong việc định hình một tương lai công bằng, bền vững
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 21:25, 17/01/2024
Tính ưu việt của các phương pháp tiếp cận
KTNN Thái Lan cho rằng, các quốc gia trên toàn cầu đã trải qua thế kỷ 21 với đầy rẫy những khó khăn, phức tạp. Trong giai đoạn bình thường tiếp theo, các SAI sẽ hoạt động trong một thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng. Do đó, SAI cần sẵn sàng ứng phó với những cuộc khủng hoảng mới, với hiện tượng thiên tai bất lợi, tình trạng bất bình đẳng kinh tế - xã hội...
Để chuẩn bị và thích ứng với những thách thức này, các SAI phải có tầm nhìn toàn diện và hợp nhất các phương pháp tiếp cận bao gồm Phương pháp tiếp cận chuẩn mực, toàn diện, xanh, tầm nhìn xa và thông minh (SIGFS).
Việc tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc kiểm toán đã được thiết lập vẫn là nền tảng của SAI để duy trì chất lượng kiểm toán và thúc đẩy niềm tin của công chúng. Bằng việc cam kết tuân thủ các chuẩn mực như Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các SAI (ISSAI), SAI đảm bảo tính chuyên nghiệp, uy tín và trách nhiệm giải trình. Cam kết này tạo thành nền tảng để xây dựng các phương pháp tiếp cận khác.
Báo cáo của KTNN Thái Lan nhấn mạnh, sự phức tạp ngày càng tăng của các vấn đề toàn cầu đòi hỏi các SAI có cách tiếp cận rộng hơn, toàn diện hơn. Một SAI toàn diện sẽ xem xét tính đa dạng dưới mọi hình thức và hiểu rằng các quan điểm đa dạng sẽ giúp nâng cao chất lượng, độ tin cậy trong công việc. SAI cần quan tâm hơn đến các giới, các đối tượng bị thiệt thòi, nhóm dân cư dễ bị tổn thương và bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế đa diện mà SAI hoạt động.
Với mối đe dọa ngày càng gia tăng về tình trạng suy thoái môi trường, điều quan trọng đối với SAI là áp dụng phương pháp tiếp cận xanh. SAI tiếp tục cân nhắc các vấn đề môi trường trong quá trình kiểm toán, giám sát việc sử dụng bền vững tài nguyên của các cơ quan chính phủ và đóng góp vào xây dựng các chính sách về môi trường.
Theo KTNN Thái Lan, sự phức tạp ngày càng tăng của thế giới đòi hỏi SAI có tầm nhìn xa hơn; cần dự đoán các xu hướng, rủi ro và cơ hội mới, đồng thời điều chỉnh các chiến lược kiểm toán cho phù hợp. SAI có tầm nhìn xa sẽ chủ động chuẩn bị cho tương lai, sử dụng các công cụ tầm nhìn xa, gắn kết với các bên liên quan và tìm ra các hướng đi phù hợp trong tương lai.
Trong kỷ nguyên cách mạng số, SAI cần hành động thông minh hơn. Điều này thể hiện ở việc tận dụng công nghệ để nâng cao tính hiệu quả, hiệu suất, tính minh bạch của kiểm toán để tăng cường quy trình kiểm toán và cung cấp những thông tin kịp thời, phù hợp.
SAI cũng cần nỗ lực không ngừng để phát triển trong bối cảnh toàn cầu phát triển. Bằng cách kết hợp SIGFS, SAI có thể đối mặt với sự phức tạp của trạng thái bình thường tiếp theo. Cách tiếp cận toàn diện như vậy giúp đảm bảo SAI vẫn hoạt động hiệu quả, phù hợp và có thể mang lại giá trị cho công chúng dù trong những thời điểm bất ổn.
Hành trình chuyển đổi đòi hỏi nỗ lực của SAI
Theo báo cáo của KTNN Thái Lan, hành trình hướng tới SIGFS bắt đầu bằng việc lập kế hoạch chiến lược. SAI cần thiết kế các chiến lược, kết hợp các yếu tố của SIGFS, điều chỉnh từng yếu tố với mục tiêu rõ ràng, các chỉ số hiệu quả hoạt động chính và kế hoạch hành động cụ thể. Trong khi thực hiện các nguyên tắc ISSAI, SAI cần phấn đấu đạt được tính toàn diện, trách nhiệm với môi trường, tầm nhìn chiến lược và số hóa trong quy trình kiểm toán.
Việc áp dụng SIGFS đòi hỏi phải điều chỉnh lại cơ cấu và quy trình tổ chức của SAI. Các đơn vị, phòng ban cần tập trung vào từng phương pháp tiếp cận, thúc đẩy quan điểm kiểm toán đa chiều. Việc điều chỉnh cơ cấu sẽ đảm bảo sự tích hợp SIGFS, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của tổ chức hướng tới các mục tiêu chiến lược.
Bên cạnh đó, KTNN Thái Lan cũng bày tỏ quan điểm rằng, sự thành công của SIGFS phụ thuộc vào chính kiểm toán viên. Vì vậy, đầu tư phát triển chuyên môn là rất quan trọng. Kiểm toán viên cần được trang bị khả năng tư duy chiến lược và công cụ kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả cũng như tính minh bạch trong kiểm toán. Đặc biệt, giám sát và đánh giá thường xuyên có vai trò then chốt để xác định tiến độ thực hiện SIGFS, giúp đảm bảo cải tiến liên tục và điều chỉnh các khóa đào tạo kịp thời.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên phức tạp và không chắc chắn, việc thực hiện SIGFS đóng vai trò rất quan trọng đối với các kiểm toán viên trong tương lai.
KTNN Thái Lan
Trước những thách thức kể trên, cách tiếp cận SIGFS cung cấp một khuôn khổ toàn diện để SAI chủ động và hoạt động hiệu quả hơn. Mặc dù quá trình thực hiện có thể phức tạp và đòi hỏi khắt khe tuy nhiên, SAI sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Báo cáo kết luận, chất lượng kiểm toán được cải thiện, niềm tin của công chúng tăng lên và khả năng vượt qua sự phức tạp của trạng thái bình thường mới chính là những minh chứng cho hành trình chuyển đổi này. Bằng cách áp dụng, tiếp cận SIGFS, SAI không chỉ ứng phó với thách thức hiện tại mà còn có thể đóng vai trò quyết định trong việc định hình một tương lai công bằng, bền vững hơn./.
(Theo audit.go.th)