Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp
Chính trị - Ngày đăng : 10:58, 18/01/2024
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận rất cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống
Khái quát kết quả Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống; khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung".
Bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ, Luật Các tổ chức tín dụng sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến...
“Chính phủ chú trọng công tác tổ chức, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành; khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật về ngân hàng nhà nước, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và pháp luật có liên quan để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Quốc hội đã xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn và nhất trí cao thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết này; khẩn trương bố trí nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành mục tiêu của các chương trình theo yêu cầu đề ra.
Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách, cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 05 lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông, trong đó dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm.
Những vấn đề tài chính, ngân sách được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, các dự án liên kết vùng, góp phần hoàn thành mục tiêu có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Từ thành công của kỳ họp đầu tiên trong năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ngay sau Phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.