Trao đổi thông tin về các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:07, 18/01/2024
Tham dự buổi trao đổi về phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải có các đồng chí: Lê Quyết Tiến - Cục trưởng; Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng; Hoàng Xuân Thắng - Trưởng Phòng Dự án 2.
Về phía KTNN có đại diện các đơn vị tham mưu: Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế; các KTNN chuyên ngành II, V; các KTNN khu vực I, II, IV, XI; cùng toàn thể công chức KTNN chuyên ngành IV.
Tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Thế Minh đã chia sẻ những thông tin về tổng quan Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; cơ chế, chính sách áp dụng và tình hình triển khai các dự án thành phần...
Theo ông Minh, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 với nội dung chủ yếu: Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, quy mô đầu tư phân kỳ 04 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố.
Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Dự án do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản, giao cho 07 Ban Quản lý dự án thuộc Bộ làm chủ đầu tư.
Về cơ chế, chính sách, Dự án được triển khai tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án.
Cũng theo ông Minh, trong quá trình triển khai các dự án thành phần còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu là về cơ chế, chính sách, các yếu tố kỹ thuật.
Cụ thể, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt khoảng 95%. Khối lượng còn lại không nhiều nhưng chủ yếu ở khu vực đất ở nên tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng chậm (vướng mắc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, chưa hoàn thành khu tái định cư…) và các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (công tác di dời đường điện cao thế có kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị).
Bên cạnh đó, một số mỏ vật liệu chưa khai thác gặp khó khăn trong quá trình triển khai; việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu…
Tại buổi trao đổi, ông Lê Quyết Tiến cũng đã chia sẻ thêm một số thông tin về việc triển khai Dự án để các công chức, kiểm toán viên nhà nước hiểu rõ hơn, phục vụ cho công tác kiểm toán.
Các công chức, kiểm toán viên của KTNN chuyên ngành IV và các đơn vị đã có những câu hỏi làm rõ hơn một số vấn đề về: tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng; giải pháp thiết kế và công nghệ thi công; công tác tổ chức, triển khai thực hiện dự án; cơ chế, chính sách áp dụng… trong quá trình triển khai Dự án và đã được đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng có ý kiến trả lời cụ thể./.