Phổ biến một số nội dung Luật Đấu thầu năm 2023
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:25, 19/01/2024
Tham dự buổi tập huấn có bà Ngô Chi Linh - Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo đơn vị, cấp phòng các KTNN chuyên ngành Ib, V; cùng toàn thể công chức KTNN chuyên ngành IV.
Tại buổi tập huấn, bà Ngô Chi Linh đã giới thiệu, thông tin về những nội dung cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2023 và các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật.
Theo bà Linh, Luật Đấu thầu năm 2023 gồm 10 chương với 96 điều. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, thay thế Luật Đấu thầu năm 2013. Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Luật Đấu thầu năm 2023 có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Cụ thể, về quy trình, thủ tục đấu thầu, Luật đã quy định theo hướng đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu. Đồng thời, cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu. Bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các cổng thông tin điện tử, hệ thống khác nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư…
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nội dung mới chủ yếu trong các quy định về vấn đề này gồm: bổ sung một số trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù khác. Phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Về lựa chọn nhà đầu tư, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật này đã được hoàn thiện theo hướng: quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư… trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện quy định của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật có liên quan. Hoàn thiện quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đề xuất tốt nhất về kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.
Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Luật đã quy định chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hàng hóa có xuất xứ trong nước, sản phẩm đổi mới, sáng tạo, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường. Các đối tượng này sẽ được cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng, được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu…
Ngoài ra, Luật Đấu thầu năm 2023 cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến các vấn đề như: hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu; hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu; quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu; hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…
Tại buổi tập huấn, các công chức của KTNN chuyên ngành IV đã đặt nhiều câu hỏi để hiểu rõ thêm những nội dung, quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023, phục vụ cho công tác kiểm toán và đã được đại diện Cục Quản lý đấu thầu có ý kiến trả lời cụ thể./.