Thành phố Hồ Chí Minh: Đề xuất nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Địa phương - Ngày đăng : 19:55, 19/01/2024

(BKTO) - Tại Kỳ họp thường kỳ Chính phủ cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao các địa phương sớm hoàn thành 130.000 nhà ở xã hội (NƠXH). Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đề xuất nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển NƠXH.
l_tphcm_nha-o-xa-hoi.jpg
Khu nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh sưu tầm

Thực tế, việc triển khai các dự án NƠXH tại TP. Hồ Chí Minh khá chậm. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, Thành phố chỉ có 20/39 dự án hoàn thành (chiếm tỷ lệ 21,5%); tính đến hết quý III/2023, mới chỉ có 2/91 dự án hoàn thành (chiếm tỷ lệ 2,39% cả giai đoạn 2021-2025).

Ở thời điểm hiện tại, Thành phố chỉ có 7 dự án NƠXH, nhà lưu trú công nhân đang thi công với quy mô khoảng 5.000 căn hộ; còn cách rất xa so với mục tiêu đặt ra.

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh, ngay cả mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 12.000 căn NƠXH, tương đương 1,15 triệu m2 sàn (đạt tỷ lệ 46% so với chỉ tiêu đề ra của giai đoạn 2021-2025) cũng rất khó hoàn thành theo dự kiến, chưa đảm bảo chỉ tiêu phát triển NƠXH tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND TP. Hồ Chí Minh và Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X vừa diễn ra, đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc phát triển nhà ở hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn, vướng mắc nhiều ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện quỹ đất phát triển NƠXH chủ yếu từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải bàn giao do các doanh nghiệp (DN) tự bồi thường, GPMB để đầu tư xây dựng; nhưng các chủ đầu tư này còn chậm bàn giao.

Về cơ chế, chính sách, nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay và thực hiện dự án NƠXH, các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH vay vốn mua nhà chưa ổn định. Giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hồ Chí Minh chỉ được cấp nguồn vốn khoảng 150 tỷ đồng để cho các đối tượng vay mua NƠXH với lãi suất 4,7%. Tuy nhiên, mức vay này còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng vay còn hạn chế. Chủ đầu tư chưa được tiếp cận nguồn vốn này dẫn đến phải đi vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao, làm tăng giá thành NƠXH.

Các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp, dẫn đến không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án. Việc quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn và kém hấp dẫn với nhà đầu tư.

Đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đề nghị, để đạt được mục tiêu phát triển NƠXH, trong thời gian tới, cơ quan hữu quan ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án NƠXH.

Cụ thể, ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và hoàn thành trả các chi phí bồi thường, GPMB, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, trường hợp các chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH.

Đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương cho phép UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ NƠXH đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 - 10ha.

Đại diện Sở này cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất đối với DN và cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến hết năm 2025.

Nhu cầu NƠXH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh khá lớn, nhất là đối với người lao động có mức thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Chính quyền Thành phố và các cấp địa phương, sở, ngành tích cực vào cuộc để tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển NƠXH phù hợp với nhu cầu của người dân./.

TRẦN HUYỀN