Tháo gỡ khó khăn cho dự án đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối

Địa phương - Ngày đăng : 11:24, 20/01/2024

(BKTO) - UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương tập trung, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo mặt bằng cho dự án đường dây 500kV, cung đoạn nhà máy nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối.
evn.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: ST

Ngày 19/1, UBND tỉnh Hải Dương có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án đường dây 500kV, cung đoạn nhà máy nhiệt điện Nam Định 1- Phố Nối trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Tỉnh Hải Dương được cung cấp điện từ 2 trạm biến áp 220kV với dung lượng 500MVA. Các máy biến áp 220kV và đường dây kết nối các nhà máy khu vực như Phả Lại, Hải Dương, Mạo Khê cung cấp điện cho phụ tải các khu công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế và đời sống dân sinh. 

Giai đoạn 2016-2020, sản lượng điện thương phẩm tỉnh Hải Dương tăng trưởng bình quân 9,09%/năm, giai đoạn 2021-2023 là 2,89%/năm. Năm 2023, điện thương phẩm đạt 6,56 tỷ kWh, tăng 1,47% so với năm 2022.

Để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Hải Dương và khu vực trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) triển khai Dự án đường dây 500kV nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối. Đường dây này đi qua địa bàn 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên, dài khoảng 126,9 km với 334 vị trí móng cột. Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Hải Dương dài khoảng 30,79km, gồm 74 vị trí móng cột, qua các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang.​

Dự án đã được khởi công vào ngày 18/01/2024. Hiện, EVN/EVNNPT đang gấp rút triển khai 04 dự án thuộc tuyến đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch – Phố Nối với mục tiêu hoàn thành trong tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án tại Hải Dương, EVNNPT còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: Có vị trí nằm vào đất xâm canh giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương; hành lang an toàn cắt qua khu công nghiệp, đông dân cư nên khó khăn trong giải phóng mặt bằng.​..

luu-van-ban(1).jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ST

Tháo gỡ vướng mắc tại vị trí xâm canh giữa 2 địa phương Hải Dương và Hưng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, tại vị trí này UBND huyện Bình Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp với huyện Bình Giang và thông báo cho tỉnh Hưng Yên thực hiện các bước thu hồi đất.

“Trong trường hợp thu hồi đất xây dựng cột tại huyện Bình Giang sẽ khiến diện tích đất còn lại không đủ canh tác hoặc để ở, Sở Tài nguyên Môi trường và UBND huyện hướng dẫn người dân viết đơn để UBND tỉnh Hải Dương thu hồi, giải phóng mặt bằng” – ông Lưu Văn Bản nói.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các địa phương cần quyết liệt hơn nữa, ưu tiên nguồn lực tốt nhất để đảm bảo mặt bằng cho dự án. Trong đó yêu cầu bàn giao vị trí móng muộn nhất trong tháng 2/2024 và hành lang tuyến trong tháng 3/2024 để chủ đầu tư tập trung thi công.

Trong quá trình triển khai dự án, EVNNPT, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) thường xuyên báo cáo lãnh đạo tỉnh để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, với mục tiêu hoàn thành dự án trong tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 1587/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối nhằm giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt khi công suất truyền tải cao theo giao diện Bắc - Trung ở thời điểm các nhà máy thủy điện miền Bắc phát thấp; Nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa góp phần bổ sung công suất từ các nguồn điện khu vực Bắc Trung Bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.

Đồng thời, truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung Bộ cũng như các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực miền Trung vào hệ thống điện quốc gia, tạo mối liên kết lưới điện các khu vực, giảm tổn thất điện năng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của ngành Điện.

M. THÚY