Đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn tín dụng “tam nông”
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 16:04, 22/01/2024
Theo các chuyên gia, trong điều kiện tình hình mới, yêu cầu mở rộng đối tượng được vay, cũng như đảm bảo thuận lợi, hiệu quả trong việc triển khai nguồn vốn tín dụng cho “tam nông” cần tiếp tục được đặt ra.
Quan tâm chính sách tín dụng cho nông nghiệp
Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đáng chú ý phải kể đến Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP...
Như vậy chỉ trong hơn 8 năm, Chính phủ đã ban hành tới 3 Nghị định và đi kèm với đó là các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các cấp tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại Hội nghị đối thoại với nông dân
Theo đó, nội dung đáng chú ý trong các văn bản này là đều mở rộng các tiêu chí cho vay, cũng như hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, như: Vay vốn không cần tài sản thế chấp; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chưa trả nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan; đồng thời xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất để trả nợ cho tổ chức tín dụng…
Sự hỗ trợ của ngân hàng vừa qua là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Kết quả là nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần kìm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen.
Khẳng định ngành ngân hàng và ngành nông nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, một trong những chương trình phối hợp lớn giữa ngành ngân hàng và ngành nông nghiệp trong năm 2023 là gói vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn, chương trình đến nay đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc cấp vốn cho nông nghiệp, ngân hàng có nguồn vốn đầu tư cho “tam nông” luôn chiếm gần 70% tổng dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia một cách có trách nhiệm trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cho vay xây dựng nông thôn mới đến 100% số xã trong cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, ngoài vốn tín dụng, Qũy Hỗ trợ nông dân cũng là kênh cấp vốn hiệu quả. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 về tổ chức và thành lập Quỹ này, phần vốn đã được bổ sung thêm 500 tỷ đồng nâng tổng vốn của các quỹ địa phương lên gần 4.100 tỷ đồng. Đến nay, các quỹ hỗ trợ nông dân cho vay mỗi dự án gần 500 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc cho vay vốn…
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng (đến nay đã giải ngân được 70%) đạt kết quả rất tốt.
Từ kết quả này, Thủ tướng kỳ vọng trong năm 2024, sự hợp tác toàn diện giữa hai ngành sẽ góp phần quan trọng việc thực hiện các mục tiêu đề ra, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương cần tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, để nông dân hiểu, chấp hành các quy định tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi, linh hoạt hơn, nhất là tăng cường hình thức cho vay tín chấp và cho vay theo tài sản hình thành trong tương lai.
Không chỉ xây dựng các sản phẩm phù hợp cho nông dân, Agribank cũng tham gia vào quá trình hoạch định, triển khai các chương trình sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Đơn cử, Ngân hàng tham gia phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) về kế hoạch triển khai Đề án thí điểm Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Trong đó, ngân hàng giữ vai trò tư vấn, hỗ trợ các đối tượng tham gia thuộc đề án thông tin về chính sách tín dụng, quy trình vay vốn và lập dự án, phương án vay…
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, đây là minh chứng điển hình cho mối quan hệ phối hợp sâu sắc, thực chất của tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, Bộ NNPTNT mong muốn các tổ chức tín dụng tiếp tục nghiên cứu để mở rộng đối tượng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, cũng như tham gia sâu hơn vào hoạt động của ngành nông nghiệp, đồng hành với nông dân.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế có tương tác với môi trường, không những góp phần giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến môi trường mà còn đóng góp tích cực vào việc hấp thụ khí nhà kính và bảo vệ môi trường bền vững hơn nên cần được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều chuyển biến song một số thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay hiện đang chịu điều chỉnh bởi những quy định khác nhau, dẫn đến khó khăn cho người vay. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực hơn của các Bộ, ngành, địa phương để cùng ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay...
Đi đôi với việc cấp vốn, các ngân hàng cần phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn; giúp nông dân thay đổi tư duy, không ỷ lại vào các chương trình hỗ trợ và tự chịu trách nhiệm với nguồn vốn vay./.