Khơi thông điểm nghẽn đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một “thành phố xanh”
Đầu tư - Ngày đăng : 15:43, 24/01/2024
Tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố là đô thị lớn với mật độ dân cư cao, nhiều phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến lượng phát thải thuộc nhóm cao nhất cả nước với mỗi ngày trung bình khoảng 9.878,90 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Đây là một phương pháp xử lý rác thải truyền thống, không hiệu quả, tốn kém và gây ra nhiều hậu quả xấu cho môi trường.
Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống các trạm trung chuyển nhưng số lượng trạm đạt tiêu chuẩn chưa nhiều (7/28 trạm), chỉ khoảng 12,8% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nước thải đô thị chứa nhiều chất hữu cơ, vi sinh vật, kim loại nặng, chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và động thực vật.
Chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém và nguy hại cho sức khỏe, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình trong năm 2022 là 104, cao hơn 2 lần mức an toàn theo tiêu chuẩn của WHO, nhiều thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành mộ trong những Thành phố có chỉ số chất lượng không khí thấp nhất thế giới.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí là sự phụ thuộc quá lớn vào các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng và dầu diesel. Các dự án vận chuyển khối lượng lớn (đường sắt đô thị, BRT...) triển khai chậm dẫn đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa phát huy hiệu quả, lượng khách giảm từng năm.
Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 8 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô đang lưu thông trên địa bàn thành phố, chiếm đến 90% tỉ lệ sử dụng phương tiện giao thông. Điều này không những gây ra ô nhiễm không khí mà còn gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.
Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường -Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có 03 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, Thành phố cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
Để giải quyết được các vấn đề nêu trên thì cần khơi thông các điểm nghẽn trong thể chế nhằm phát triển hạ tầng giao thông xanh và bền vững, phát triển đô thị xanh gắn với tái bố trí lại dân cư và chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, gắn với các công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Triển khai các chỉ đạo Trung ương về Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 29/12/2022 về Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030.
Đồng thời, để tạo ra một hành lang thể chế mạnh mẽ, là chìa khóa để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển Thành phố và thúc đẩy tăng trưởng xanh Thành phố đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 44 cơ chế, chính sách trên 07 lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều nội dung liên quan tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với xu hướng chung của Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Thành phố cũng đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thành phố cũng chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh Thành phố diễn ra 03 phiên thảo luận về các chủ để chuyên sâu như: Khuôn khổ phát triển và tài chính nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh, Định hướng chiến lược cho khung kinh tế xanh TP, Đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh Thành phố và các báo cáo tham luận mang tính gợi mở vấn đề. Những chủ đề này thu hút hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp từ trong, ngoài nước. Cùng với đó, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Điều này, thể hiện kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với Thành phố, trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là yêu cầu tất yếu của Việt Nam và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới.
Phát huy sức mạnh hợp tác công tư phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển xanh, bền vững
Phát biểu tại hội nghị, Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Ủy ban nhân dân Thành phố ghi nhận và đánh giá cao các chia sẻ thiết thực và hữu ích với tinh thần xây dựng của quý đại biểu và các chuyên gia tham dự. Đây là những bài học, kinh nghiệm, là cơ sở để Thành phố hoàn thiện hơn nữa việc triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ mà đồng chí Thủ tướng đã chỉ đạo. Từ đó, Chính quyền Thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng đồng lòng hành động khẩn trương hơn nữa, tăng cường phát huy sức mạnh hợp tác công tư để giúp Thành phố phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh Thành phố là cơ hội lý tưởng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư khám phá tiềm năng hợp tác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua Hội nghị này, Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát lại hiện trạng và hoàn thiện các giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất, giúp Thành phố nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành một “thành phố xanh” dựa trên cơ sở một nền “kinh tế xanh”. Đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh của Thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Thành phố trên thị trường quốc tế và trong nước; với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu.
Nhân dịp Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh, Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư 28 dự án tăng trưởng xanh với tổng vốn đầu tư lên tới gần 160.000 tỷ đồng theo các hình thức kết hợp công - tư.
Trong đó, có nhiều dự án có quy mô lớn như: 4 dự án nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Dự án trung tâm dữ liệu (Data Center) với tổng vốn đầu tư 6.950 tỷ đồng...
Bên cạnh các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, thành phố còn kêu gọi đầu tư các dự án thuộc hạ tầng giao thông như: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (thành phố Thủ Đức), dài 5,9km, tổng vốn đầu tư 13.850 tỷ đồng; dự án xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương), dài 21km, tổng vốn đầu tư 15.400 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), dài 5,9km, tổng vốn đầu tư 13.851 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), dài 50,9km, tổng vốn đầu tư 19.803 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ), tổng vốn đầu tư 10.569 tỷ đồng…
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), thành phố cũng kêu gọi đầu tư các dự án lớn như: Dự án khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng (diện tích 7,7ha), tổng vốn đầu tư 12.071 tỷ đồng; dự án quảng trường trung tâm (quảng trường Hồ Chí Minh) và công viên bờ sông, tổng vốn đầu tư 5.348 tỷ đồng...