Triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tích cực hơn trong năm 2024
Tài chính - Ngày đăng : 09:09, 25/01/2024
Năm 2023, lợi nhuận nhìn chung đi ngang bất chấp một số ngành sụt giảm sâu
Theo mẫu theo dõi BVS-80 (80 doanh nghiệp niêm yết đại diện của các ngành, chiếm khoảng 70% quy mô vốn hóa trên sàn HOSE) của BVSC, tổng lợi nhuận sau thuế của rổ BVS-80 gần như đi ngang so với năm 2022, ước tính tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ, trong bối cảnh rất nhiều ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Trong năm 2023, nhiều ngành giảm sâu, bao gồm bản lẻ, tiêu dùng, xuất khẩu, hỗ trợ công nghiệp… với nguyên nhân đến từ cả yếu tố kinh tế trong nước và trên thế giới.
Lợi nhuận sau thuế của một số ngành đã có diễn biến giảm mạnh trong năm qua bao gồm: Phân bón (-81,9%), Bán lẻ (-72,3%), Dệt may (-42,6%), Thủy sản (-42,2%), Hóa chất (-39,6%), Cao su tự nhiên (-37,2%), Phân phối (-36,2%), Điện (-35,8%), Gỗ và sản phẩn từ gỗ (-33,7%), Dầu khí (-31,6%), Cao su săm lốp (-29,3%). Ngược lại, một số ngành vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế rất tích cực như: Cảng biển (86,2%), Bán lẻ xăng dầu (82,9%), Ống nhựa (32,4%), Bất động sản (32,3%), Khu công nghiệp (27,9%), Cảng hàng không (21%), Chứng khoán (19%), Công nghệ thông tin (18,6%), Bảo hiểm (16,9%) và Ngân hàng (2,8%).
Câu chuyện của năm 2023 vẫn ghi nhận lợi nhuận đi ngang đến từ yếu tố mang tính chất one-off (chỉ xảy ra một lần, không có tính chất chu kỳ) của một số mã cổ phiếu riêng lẻ, bên cạnh sự tăng trưởng của nhóm dẫn dắt và chiếm tỷ trọng lớn của rổ lợi nhuận, như ngân hàng vẫn tăng trưởng 2,8%. Câu chuyện one-off đến từ lợi nhuận sau thuế của một số cổ phiếu như VHM (Công ty Cổ phần Vinhomes) tăng 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 so với năm 2022. Hay, nhóm ngành hàng không so với cùng kỳ vẫn đang không có tăng trưởng, nhưng trên thực tế năm 2022 ngành này ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm khoảng 12,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, BVSC dự báo ngành này chỉ âm khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng. Do đó, sự chênh lệch của VHM cũng như nhóm hàng không đã giúp BVS-80 bớt âm khoảng 20 nghìn tỷ đồng trên tổng rổ lợi nhuận khoảng 280 nghìn tỷ đồng của rổ BVS-80, chiếm khoảng 7-8% tổng rổ lợi nhuận. Do đó, trong năm 2023, mặc dù rất nhiều ngành suy giảm nhưng yếu tố one-off của một số mã và ngành như kể trên đã giúp cho dự báo của cả rổ BVS-80 gần như vẫn giữ được nền lợi nhuận đi ngang.
Xét số tuyệt đối về lợi nhuận giai đoạn 2016 tới nay, trong năm 2023, nền lợi nhuận của rổ BVS-80 gần như đi ngang so với năm 2022, ở mức 280 nghìn tỷ đồng. Mặc dù nhiều ngành suy giảm so với cùng kỳ nhưng nếu nhìn nền lợi nhuận so với quá khứ, nền lợi nhuận của 2023 vẫn tích cực hơn nhiều so với các năm trong giai đoạn 2016-2020. Thậm chí, nếu so với giai đoạn đỉnh cao của lợi nhuận ở thời điểm Covid-19 năm 2021, thì nền lợi nhuận trong năm 2023 cũng không hề thấp. Một số ngành trong năm 2023 cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức cao nhất từ trước tới nay, như Ngân hàng (143,3 nghìn tỷ đồng), Ống nhựa (1,6 nghìn tỷ đồng), Khu công nghiệp (4,5 nghìn tỷ đồng), Bảo hiểm (3,5 nghìn tỷ đồng), Cảng hàng không (9,4 nghìn tỷ đồng)... Dù vậy, nhìn tổng thể, nhiều ngành chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế, thậm chí xuống mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2016 tới nay, như: Hàng tiêu dùng (16,5 nghìn tỷ đồng), Bán lẻ (1,7 nghìn tỷ đồng) hay Điện (1,7 nghìn tỷ đồng); hay một số ngành sụt giảm sâu so với cùng kỳ như: Dầu khí (từ 30,3 nghìn tỷ đồng năm 2022 xuống còn 20,4 nghìn tỷ đồng năm 2023), Hóa chất (từ 5,9 nghìn tỷ đồng năm 2022 xuống 3,6 nghìn tỷ đồng năm 2023), Điện (từ 2,7 nghìn tỷ đồng năm 2022 xuống 1,7 nghìn tỷ đồng năm 2023)…
Năm 2024, dự báo nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tích cực
Theo BVSC, bối cảnh kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư trong năm 2024 có nhiều yếu tố tích cực hơn so với năm 2023. Về môi trường đầu tư, với áp lực lạm phát tại Mỹ giảm bớt, nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thực hiện đảo chiều chính sách, dù không mạnh mẽ nhưng sẽ giảm bớt áp lực cho thị trường tài chính. Trong khi đó, với bối cảnh trong nước, BVSC dự báo áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ hạ nhiệt dần trong nửa cuối 2024, tạo nền tảng cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngoài ra, Việt Nam đang đứng trước một chu kỳ phát triển mới với cơ hội tiếp nhận sự dịch chuyển nguồn vốn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới để đi lên chuỗi sản xuất cao hơn.
Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống pháp lý theo tiêu chuẩn thế giới. Với bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng, cùng môi trường đầu tư thuận lợi, mang tính hỗ trợ nhiều hơn, BVSC cho rằng, năm 2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ khởi sắc hơn nhiều so với năm 2023.
Câu chuyện của 2024 cho thấy, những ngành giảm sâu trong năm 2023 là các nhóm về tiêu dùng, phân phối, bán lẻ sẽ là những ngành hồi phục rất mạnh; hay nhóm xuất khẩu như dệt may, thủy sản, gỗ cũng sẽ có sự hồi phục tương đối tốt. Trong khi đó, những nhóm ngành trong năm 2023 không bị giảm mạnh thì vẫn duy trì được đà tăng trưởng, ví dụ nhóm ngân hàng, năm 2023 chỉ tăng nhẹ 2,8% sang năm 2024 vẫn duy trì được đà tăng (dự báo ở mức 18,6%) và đóng góp cho tăng trưởng lợi nhuận chung của BVS-80.
Nhìn lại năm 2023, lợi nhuận sau thuế nhóm tài chính tăng trưởng 3,6% so với cùng kỳ và phi tài chính sụt giảm 3,7%, thì sang năm 2024, BVSC dự báo nhóm tài chính sẽ tăng mạnh mẽ hơn, ở mức 18,7%, trong khi nhóm phi tài chính tăng trưởng trở lại 10,9%. Điều này sẽ giúp cho rổ BVS-80 tăng trưởng tốt, từ mức đi ngang khoảng 0,3% trong năm 2023 sẽ ghi nhận tăng trưởng trở lại 15,2% trong năm 2024. Tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm tài chính cũng dự báo sẽ tăng từ 54,9% trong năm 2023 lên 56,6% trong năm 2024. Ngoài nhóm ngân hàng tăng trưởng 18,6%, một số nhóm ngành có tăng trưởng mạnh trong năm 2024 có thể kể tới như: Bán lẻ (151,1%), Phân bón (76,2%), Thép (55,2%), Gỗ và sản phẩm từ gỗ (39,1%), Điện (32,5%), Dệt may (29,8%), Chứng khoán (28,1%), Thủy sản (22%).
Nhìn về số tuyệt đối trong năm 2024, BVSC dự báo lợi nhuận sẽ đi lên một nền cao mới, cao hơn đỉnh 2021, với tổng lợi nhuận đạt 320 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh sự phục hồi trên diện rộng của hầu hết các ngành, động lực tăng trưởng có sự đóng góp rất lớn của nhóm tài chính. Một số ngành dự báo sẽ đạt lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước tới nay bao gồm: Ngân hàng (170,1 nghìn tỷ đồng), Chứng khoán (7,56 nghìn tỷ đồng), Bảo hiểm (3,66 nghìn tỷ đồng), Cảng hàng không (10,69 nghìn tỷ đồng), Công nghệ thông tin (8,2 nghìn tỷ đồng) và Dược phẩm (2,1 nghìn tỷ đồng)./.