Gặp người được Bác Hồ chọn đặt tên

Xã hội - Ngày đăng : 16:25, 02/02/2016

(BKTO)- Lẽ thường, trí nhớ và sự thông tuệ của mỗi người thườnggiảm đi khi tuổi tác tăng cao. Nhưng điều này có lẽ không đúng với ông Tạ QuangChiến - cán bộ lão thành cách mạng, một trong 8 cán bộ đã vinh dự được Bác Hồđặt tên trên đường trở lại chiến khu Việt Bắc chuẩn bị cho toàn quốc khángchiến chống Pháp năm xưa. Ở tuổi 92, ông vẫn rất minh mẫn, thông tường lịch sửdân tộc. Với ông, những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ luôn là một ký ứckhông phai trong tâm trí.


Ông Tạ Quang Chiến - người cận vệ vinh dự được Bác Hồ đặt tên. Ảnh: N.M

Cái tên “cha sinh mẹ đẻ” Nguyễn Hữu Văn của ông dường như rất ít được biết đến bởi mọi người thường quen với tên gọi mà Bác Hồ đã đặt cho ông là Tạ Quang Chiến. Năm 17 tuổi, “cháy” trong tim ngọn lửa yêu nước, từ Thanh Hóa, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đến với phong trào thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh (1943), tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội để thực hiện ước mơ giải phóng dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, một số đồng chí được “chọn mặt gửi vàng” để giúp việc cho Bác Hồ và ông may mắn có được vinh dự ấy. “Đó là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi”- ông tự hào chia sẻ.

Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ hào hùng, ông bồi hồi xúc động: “Vào khoảng năm 1947, kháng chiến ở giai đoạn quyết liệt. Thực dân Pháp đã đánh chiếm Hà Nội. Nhân dân cả nước sục sôi tinh thần kháng chiến. Ngày ấy, chúng tôi hầu hết mới ở độ tuổi ngoài đôi mươi. Trên đường theo chân Bác trở lại chiến khu Việt Bắc để thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến, khi dừng chân ở Phú Thọ, trong một buổi sinh hoạt, tôi nhớ mãi lời Bác dặn: “Chúng ta đi vào kháng chiến thực sự rồi nên các chú đổi tên để bày tỏ quyết tâm của tập thể đi theo Bác và cũng là nguyện vọng của toàn dân”. Nhóm cán bộ đi theo Bác gồm 8 đồng chí, trong đó có tôi, được Bác dành 8 chữ vàng để đặt tên: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định -Thắng - Lợi. Những cái tên ấy như một khẩu hiệu bên cạnh Bác trong suốt những năm tháng Người chỉ đạo cuộc kháng chiến. Chúng tôi vinh dự mang những cái tên lịch sử đó và càng thấm thía hơn trách nhiệm của mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ nhưng rất đỗi vinh quang”.

Thời gian được sống và làm việc cùng Bác Hồ (1945-1957) là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời ông. Những kỷ niệm về Bác luôn khiến ông xúc động, bồi hồi mỗi khi nhớ lại. Năm 1951, ông vinh dự được tháp tùng Bác tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - một Đại hội đầu tiên triệu tập đầy đủ đại biểu từ các miền Tổ quốc về dự họp và xác định quyết tâm lãnh đạo đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi. Cũng tại Đại hội này, ông đã được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về Bác. Ông nhớ rất rõ: Tại các phiên họp Ðại hội, Bác cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Ðảng chủ trì trong không khí trang nghiêm, biểu thị quyết tâm cao của những người cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Bác còn tham gia dự thảo luận ở các đoàn. Ở đâu, Người cũng nhấn mạnh với các đại biểu 2 nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải quyết tâm kháng chiến thành công và đưa Ðảng ra hoạt động công khai lấy tên là Ðảng Lao động Việt Nam. Ngoài giờ họp chính thức, Bác Hồ còn thăm hỏi động viên từng đoàn đại biểu, đặc biệt là đoàn đại biểu Nam Bộ, Lào, Campuchia. Bác Hồ rất quan tâm đến hoạt động văn nghệ phục vụ Ðại hội. Người đã nhiều lần tham gia múa tập thể “Son lá son” rất sôi nổi hào hứng cùng các đại biểu. Bác như có sức hấp dẫn kỳ diệu. Bác đi đến đâu, ở đó có tiếng cười rộn ràng. Giữa Người và các đại biểu không có sự ngăn cách tình cảm, phân biệt tuổi tác.

Giờ đây, mỗi khi nhắc lại quãng đời tuổi trẻ, nhớ đến Bác Hồ, ông luôn cảm thấy xúc động và vẹn nguyên niềm tin vào những giá trị đạo đức mà thế hệ ông học được từ Bác. Ông cho biết: “Bác Hồ rất quý thời gian. Bác tự đặt cho mình thời gian biểu, từ giờ tập thể dục buổi sớm đến giờ đọc báo, làm việc…tất cả đều rất chặt chẽ, khoa học. Gần như Bác không có thời gian rảnh rỗi. Tuy lớn tuổi nhưng hàng ngày, Bác vẫn đọc sách báo, nghiên cứu để tích lũy kiến thức. Chúng tôi học Bác ở nếp quý thời gian và nhất là đức tính không bao giờ thỏa mãn với kiến thức mà mình có được. Tấm gương rèn luyện của Bác không chỉ thể hiện sự giản dị, mẫu mực, gần dân của một lãnh tụ mà còn khẳng định ý chí “thép” của một nhà cách mạng lỗi lạc”.

Khoảng thời gian giúp việc cho Bác Hồ, ông là một trong những cán bộ trẻ, năng động, được giao nhiều việc. Ông kể lại: “Năm 1950, Bác Hồ đưa ra sáng kiến lập Đội Thanh niên xung phong công tác sau đổi tên thành Đoàn Thanh niên xung phong. Bác biệt phái đồng chí Vũ Kỳ và tôi tham gia xây dựng lực lượng thanh niên theo tư tưởng của Người: Một là, lực lượng thanh niên phải cùng với toàn dân đấu tranh đi đến thắng lợi của cuộc kháng chiến; Hai là, phải chuẩn bị mọi mặt khôi phục đất nước. Tư tưởng của Bác Hồ rất rõ: Thanh niên phải chuẩn bị cho tương lai. Tương lai của đất nước là phải sánh vai với thế giới, đi lên với thế giới. Tôi rất ấn tượng về điều này”.

Những năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, được sống và làm việc gần Bác Hồ, ông càng thêm thấu hiểu và thấm nhuần những tư tưởng của Người, nhất là tư tưởng hội nhập với thế giới: “Việt Nam luôn phải gắn với thế giới, phải hội nhập để tồn tại”. Tư tưởng này được Bác đặt ra từ sau Cách mạng tháng Tám và đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chỉ có điều, tinh thần hội nhập của thời đại ngày nay khác với thời kỳ ấy khi thế giới lúc đó bị chia cắt, rời rạc. Còn hiện tại, thế giới là một mặt phẳng và hội nhập bây giờ đòi hỏi chúng ta phải mở cửa để đón những luồng gió mới; đồng thời phải đua tranh với thế giới, phải có sức vóc và trí tuệ để đủ năng lực cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu về lịch sử và chính trị, ông Tạ Quang Chiến cho rằng: Thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận nhưng không vì thế mà chúng ta vội thỏa mãn. Năm 1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bản Tuyên ngôn ấy, Người đề cao tinh thần xây dựng một quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc. Giờ là thời điểm để chúng ta thực hiện mục tiêu đó ngày càng có chiều sâu. Yêu nước bây giờ phải thể hiện vươn lên với thế giới, so với thế giới mà phát triển, dừng chân tại chỗ là tụt hậu. Trên mặt trận không tiếng súng hôm nay - mặt trận của hội nhập và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia - lực lượng thanh niên vẫn luôn phải là mũi nhọn xung kích, tiên phong như thế hệ cha ông năm nào.

12 năm theo chân Bác trên chặng đường hoạt động cách mạng, bao tư tưởng của Người đã in sâu vào trong tâm trí ông. Sau này, tư tưởng ấy đã được ông học tập và vận dụng một cách sáng tạo trên mỗi cương vị công tác mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như: Vụ trưởng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Y tế - Xã hội của Quốc hội. Những tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một phần lẽ sống của cuộc đời ông - một con người đã có nhiều cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc và cũng là người còn lại duy nhất của 8 chữ vàng được Bác Hồ chọn đặt tên năm xưa.
ĐỨC THÀNH