Chú trọng đầu tư thiết chế văn hóa đồng bộ, có trọng tâm, tránh dàn trải
Xã hội - Ngày đăng : 16:46, 26/01/2024
Tại Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023” diễn ra mới đây, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nguồn lực nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa bảo đảm được việc duy tu, nâng cấp nhằm đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ.
Do đó, giải pháp nào để thu hút nguồn lực đầu tư, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát huy công năng của các thiết chế văn hóa là vấn đề cần được đặt ra.
Bên lề Phiên giải trình, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để các thiết chế văn hóa thực hiện tốt hơn vai trò của mình, bảo đảm cho văn hóa trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, các ngành chức năng cần tập trung vào 5 giải pháp.
Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2014-2015 là 1.564 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 2.687,7 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 7.032,62 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương bố trí xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2014-2015 là 308,864 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 688,659 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 943,830 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong việc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thiết chế văn hóa, ngoài những vai trò quan trọng như trên, còn có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Vì thế, khi tính toán đến lợi ích tổng thể của đất nước, cần phải nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của các thiết chế văn hóa ở đó.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt coi trọng quy hoạch địa điểm và dành quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác.
Đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phải đồng bộ cả về cơ sở vật chất, thiết bị hoạt động. Đầu tư không dàn trải, phù hợp với đặc thù vùng, miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của nhân dân.
PGS,TS. Bùi Hoài Sơn
Vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và xây dựng quỹ để duy trì hoạt động thường xuyên của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa và quản lý văn hóa. Nhà nước cần căn cứ nhu cầu vào thực tế của địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa, thể thao được quy định đối với từng cấp để lập kế hoạch về nguồn nhân lực, từ đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Củng cố, xây dựng và nâng cấp hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật, các trường thể dục thể thao theo khu vực để đào tạo cán bộ văn hóa, thể thao ở trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, sơ cấp.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.
Đối với các công trình thể thao do chính quyền địa phương quản lý, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong việc khai thác, sử dụng nhằm tận dụng tối đa công năng và hiệu suất để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, trong đó cần xem xét phương án đấu thầu quyền quản lý và khai thác các công trình thể thao do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách về lương, chế độ thù lao công tác đối với đội ngũ cơ sở; xây dựng chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; khuyến khích các thiết chế văn hóa thực hiện quyền tự chủ, tự trang trải kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp với việc tổ chức các hoạt động dịch vụ công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ năm, nâng cao chất hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa bằng cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao, gắn với thực tiễn đời sống xã hội; đưa các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ vào nề nếp.
Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; đặc biệt là thu hút người có tài năng nghệ thuật và có nghề làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường; chú trọng phát triển nhiều loại hình hoạt động, học tập phục vụ cộng đồng./.