Đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:10, 12/10/2018
(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 29, ngày 11/10, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra Dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi). Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế tham dự phiên họp.
Quang cảnh phiên họp- Ảnh: Thanh Hà |
Liên quan đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN, Dự thảo Luật quy định cơ quan KTNN, thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định có liên quan. Đối với kiến nghị của cơ quan KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế. Trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của KTNN, kết luận của cơ quan thanh tra thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản thống nhất với mục đích, quan điểm sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với các Luật hiện hành; cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, nhiệm vụ nào đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật NSNN, Luật Thanh tra, Luật KTNN… thì không cần quy định trong Luật này.
Theo đó, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN tại Điều 21 của Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với khoản 1 điều này để đảm bảo tính thống nhất các quy định của Luật KTNN, Luật quản lý thuế và các luật có liên quan đối với việc kiểm toán hoạt động của cơ quan thuế. Đối với quy định tại khoản 2, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định như Dự thảo Luật thì cơ quan thuế lại tổ chức thanh tra, kiểm tra lại kiến nghị của cơ quan KTNN khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế là chưa phù hợp với quy định của Luật KTNN. Theo Điều 7, Luật KTNN thì giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành có tính chất bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán. Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị bỏ khoản này và KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành theo quy định của Luật KTNN.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoạ cho biết, KTNN đã có Công văn số 1425/KTNN-VP ngày 8/10/2018 tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi). Về trách nhiệm, quyền hạn của KTNN trong Dự thảo Luật, Phó Tổng Kiểm toán đề nghị, khoản 2, Điều 21 và khoản 1, Điều 109 cần được biên tập lại để thể hiện rõ vai trò của các chủ thể kiểm tra thuế.
Tại khoản 3, Điều 119 liên quan đến việc quyết định xử lý của cơ quan thuế mà khác với cơ quan thanh tra, kiểm toán thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định quy định này là không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật KTNN; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định này như tại Dự thảo Luật kèm Công văn số 8991/BTC-TCT ngày 27/7/2018 của Bộ Tài chính, là phù hợp với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của các cơ quan.
Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến tại phiên họp bày tỏ thống nhất cao với báo cáo thẩm tra và quan điểm của KTNN. Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Yến cho rằng: KTNN là cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập mà trong trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ nộp thuế lại thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế là không phù hợp. “Cơ quan thuế không thể có thẩm quyền cao hơn KTNN. Theo tôi, kết luận của cơ quan KTNN phải có tính quyết định”- Đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ quan điểm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cũng khẳng định: Quy định tại khoản 2 Điều 21, khoản 3, Điều 119 của Dự thảo Luật là chưa phù hợp với Luật KTNN và cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với quy định chung.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, Dự thảo Luật cần phải bổ sung những nội dung cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các ý kiến góp ý tại phiên họp sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, rà soát để hoàn chỉnh Dự thảo Luật.
Đ. KHOA