Nhiều vấn đề cần lưu ý trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng

Kiểm toán - Ngày đăng : 13:48, 25/01/2024

(BKTO) - Nghiêm túc tham gia cuộc kiểm toán Chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) giai đoạn 2020-2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VII đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý khi thực hiện kiểm toán tại 4/6 tỉnh thuộc địa bàn phụ trách, cũng như đúc rút ra những kinh nghiệm quý phục vụ cho các cuộc kiểm toán về sau - đại diện KTNN khu vực VII chia sẻ.
5-rung-son-la.jpg
Công tác quản lý Quỹ BVPTR tại nhiều địa phương còn có nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập. Ảnh: ST

Chưa đảm bảo công bằng trong thu - chi dịch vụ môi trường rừng

Theo nhìn nhận của KTNN khu vực VII, tần suất tổ chức các cuộc kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng Quỹ BVPTR tại các địa phương còn rất ít. Trong khi thực tế công tác quản lý Quỹ tại nhiều địa phương có phát sinh lớn, hoạt động còn có nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập. Đặc biệt đối với hoạt động quản lý, BVPTR tại các đơn vị được kiểm toán, KTNN khu vực VII nêu rõ, thu tiền dịch vụ môi trường rừng là một khoản thu chủ yếu của Quỹ, nhưng hiện đang có sự chênh lệch về giá thu dịch vụ môi trường rừng tại các đất rừng trong vùng với điều kiện như nhau. Cụ thể, đơn giá dịch vụ môi trường rừng hiện có sự chênh lệch lớn ở lưu vực các nhà máy thủy điện có cùng điều kiện như nhau, chẳng hạn tại tỉnh Sơn La có sự chênh lệch lớn về đơn giá dịch vụ môi trường rừng giữa lưu vực sông Đà và lưu vực sông Mã. Bên cạnh đó, định mức chi trả khoán bảo vệ rừng cũng rất khác nhau, nơi cao, nơi thấp nên các hộ nhận khoán có sự so sánh về quyền lợi. Việc chi trả cũng còn có sự chênh lệch, thực tế tại các bản có rất nhiều hộ cùng tham gia bảo vệ rừng nhưng đến khi chi trả lại chỉ có một số hộ nhận được. Vì thế, cần có những giải pháp thiết thực để đảm bảo sự công bằng, thỏa đáng cho số đông người dân.

Một vấn đề khác liên quan đến thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng là mức thu phí dịch vụ môi trường rừng với một số loại hình sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn ở mức khá thấp nên mức chi trả cho bên cung cấp dịch vụ chưa thỏa đáng. Đơn cử như mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện - đây là loại hình chiếm đa số trong sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng mức thu hiện tại chỉ là 36 đồng/kWh. Mức chi trả này cho các cộng đồng dân cư, hộ nhận khoán là không thỏa đáng, khó để họ duy trì cuộc sống và tích cực tham gia BVPTR.

Bên cạnh việc thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ BVPTR như trên, khoản phí này còn được thực hiện theo phương thức thu, chi thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng trực tiếp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ. Hợp đồng sau khi được ký phải gửi về Quỹ BVPTR của địa phương để theo dõi, kiểm tra khi cần thiết. KTNN khu vực VII đánh giá, việc bảo vệ rừng được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân (chủ rừng) quản lý, bảo vệ là phù hợp, nhưng việc cung cấp và sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn trường hợp cho phép người cung cấp và sử dụng dịch vụ tự ký hợp đồng, tự chi trả và thu tiền dịch vụ, Quỹ BVPTR chỉ theo dõi thông qua hợp đồng cho thấy có thể phát sinh nhiều rủi ro không quản lý được ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng.

Để chấn chỉnh sự chậm trễ trong công tác trồng rừng thay thế, cần có quy định các chủ dự án đầu tư khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác phải “có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế”. Đây là 1 trong 4 điều kiện bắt buộc khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.

Cần quản lý nguồn thu của Quỹ theo Luật Ngân sách nhà nước

Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, ngoài việc phải nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, các tổ chức được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế trình và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và sau đó tiến hành trồng rừng thay thế hoặc phải nộp tiền trồng rừng thay thế. Đối với tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, các tổ chức phải nộp vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng, phân bổ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Riêng tiền trồng rừng thay thế (trong trường hợp không tự trồng rừng) lại được nộp vào Quỹ BVPTR ở cấp tỉnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Từ thực tế này, KTNN khu vực VII khuyến nghị cần xem xét những địa phương sau khi cấp phép chuyển đổi thì không còn diện tích theo quy hoạch để trồng rừng thay thế, phải trồng rừng thay thế ở địa phương khác. Bởi xét theo yếu tố tự nhiên, nếu vẫn tiếp tục cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng ở những địa phương không còn đất quy hoạch trồng rừng sẽ có sự dịch chuyển đất rừng từ nơi này sang nơi khác, ảnh hưởng không nhỏ đến thiên nhiên, đến bảo tồn sinh thái, bảo vệ đầu nguồn, phòng, chống biến đổi khí hậu…

Về nguồn tiền trồng rừng thay thế, theo báo cáo, số tồn lũy kế tiền trồng rừng thay thế giai đoạn từ khi thành lập Quỹ BVPTR địa phương đến ngày 31/3/2023 chưa có kế hoạch sử dụng là 753 tỷ đồng (của 25 Quỹ địa phương). Nguyên nhân chủ yếu do địa phương không còn quỹ đất để thực hiện trồng rừng thay thế. Theo quy định, số tiền này sẽ phải nộp về Quỹ BVPTR Trung ương để điều tiết cho những địa phương còn diện tích trồng rừng sử dụng. KTNN khu vực VII cho rằng, cách quản lý nguồn Quỹ như hiện nay chưa nhất quán với nguồn thu từ tài sản công là tài nguyên đất đai. Ngoài ra, việc thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế là nội dung phát sinh từ việc chuyển đổi mục đích đất rừng là tài sản công nhưng lại được quản lý và sử dụng tại Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và sau đó là đầu tư để thực hiện dự án trồng rừng mà không được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đây là những vấn đề cần được xem xét, thay đổi, nhất là khi việc tồn dư tiền trồng rừng thay thế còn nhiều, chưa có kế hoạch sử dụng mà không được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội khác sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng vốn.

Cùng với đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và quản lý tiền trồng rừng thay thế cần được xem xét cho phù hợp. Bởi nhiều chủ dự án đầu tư vẫn còn chây ỳ, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế do chưa có chế tài xử lý vi phạm. Điều này tạo ra sự chưa công bằng giữa đơn vị nghiêm túc chấp hành và đơn vị chưa nghiêm túc tuân thủ./.

T.THIỆN - H.THOAN