Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp thu hút đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 22:58, 29/01/2024
Thu hút đầu tư bằng nguồn lực, thị trường và cơ chế
Với nhiều ưu thế về vị trí, nhân lực chất lượng cao, thị trường rộng lớn, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư.
Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỷ USD.
Cũng trong năm qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút vào các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCX, KCN) đạt 221,11 triệu USD, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư trong nước, trong năm qua, tổng vốn đầu tư thu hút đạt hơn 18.500 tỷ đồng (tương đương 788,5 triệu USD), tăng 123,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Những kết quả đạt được năm qua là động lực để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong năm 2024. Ngay từ những ngày đầu năm, Thành phố đã chú trọng thu hút các nhà đầu tư thuộc các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng sạch, với quy mô vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng trở lên, điển hình như Dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, bên cạnh ưu thế về vị trí, nguồn lực, thị trường, một trong những yếu tố quan trọng để TP. Hồ Chí Minh thu hút đầu tư chính là cơ chế, chính sách, trong đó có Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98).
Nghị quyết 98 giúp thúc đẩy startup và tạo điều kiện mở rộng các hoạt động của startup bằng cách cung cấp các hạ tầng, hỗ trợ hạ tầng, có một số ưu đãi cho các chuyên gia. Đồng thời, Nghị quyết 98 có nhiều chính sách tốt, như giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giúp các nhà đầu tư bổ sung vào việc đầu tư phát triển, đẩy nhanh khấu hao.
Để thu hút các nhà đầu tư, Nghị quyết cũng đưa ra cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội. Cụ thể, các nhà đầu tư chiến lược sẽ được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của dự án.
Các chính sách hỗ trợ gồm công tác quy hoạch, thủ tục dự án nhanh tiện, rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai đầu tư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, cơ chế chính sách ưu đãi nêu trên sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh phát huy tiềm năng, lợi thế, qua đó tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Nhằm đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, TP. Hồ Chí Minh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, trong đó các vấn đề liên quan đến Trung ương quyết định thì Thành phố sẽ có kiến nghị, còn các vấn đề liên quan đến địa phương, Thành phố sẽ giao cho từng sở, ngành giải quyết.
Các sở, ngành của Thành phố tăng cường khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp để tháo gỡ kịp thời từng vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tài chính, đất đai, xây dựng, đầu tư.
Cùng với đó, Ban Quản lý các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh tăng cường tiếp xúc để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà đầu tư tìm kiếm, lựa chọn cơ hội mở rộng dự án.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 98, Ban Quản lý các KCX, KCN Thành phố được UBND TP. Hồ Chí Minh phân cấp một số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố, giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường, góp phần đơn giản hóa thủ tục, tăng sức hấp dẫn khi đầu tư vào các KCX, KCN trong năm 2024 và những năm tới./.