Đại đoàn kết để thành công

Chính trị - Ngày đăng : 13:23, 02/02/2024

(BKTO) - Trong bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc.
3-dai-doan-ket.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk. Ảnh: ST

Tổng Bí thư chỉ rõ: “Với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, góp phần làm cho “Đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được những kết quả to lớn, khá toàn diện và rất đáng mừng trên nhiều lĩnh vực”.

Trước đó, ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

Nghị quyết số 43-NQ/TW khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết cũng xác định nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Nghị quyết chỉ ra đại đoàn kết là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đại đoàn kết biểu hiện ở đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Đảng cũng xác định mục tiêu “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết số 43-NQ/TW đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện, trong đó nổi bật là xây dựng đoàn kết trong Đảng và thực hiện dân chủ, phát huy tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của nhân dân.

Trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng xác định phải chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách, đòi hỏi toàn Đảng phải kiên quyết, kiên trì phấn đấu thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đảng đã đề ra: “Phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Một yêu cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là các tổ chức Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên cần gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tiên phong gương mẫu, đoàn kết nhất trí, thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng; lấy đó làm cơ sở vững chắc để xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều phải vì lợi ích của nhân dân.

Nghị quyết số 43-NQ/TW cũng chỉ ra giải pháp quan trọng để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc còn là “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân”. Để thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết xác định cần phải phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có cơ chế, chính sách, cách làm phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy cao nhất mọi tiềm năng, sức sáng tạo, vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chỉ rõ chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo. Trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Đảng ta xác định phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, phải thực hiện hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng thời “Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương”.

Với sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, của đại đoàn kết toàn dân, với tinh thần mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, chúng ta tin tưởng và chờ đợi sẽ thực hiện thành công mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam đầu năm 2024 đã nêu trên: “Từ những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tôi tin tưởng rằng với khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa, sáng suốt nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, như Bác Hồ và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hằng mong đợi”./.

CÔNG MINH