Biến “nguy” thành “cơ”, vững tin vào xu thế tích cực

Kinh tế - Ngày đăng : 08:05, 03/02/2024

(BKTO) - Theo PGS,TS. Trần Đình Thiên, bên cạnh mặt tốt, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại cả mặt chưa tốt. Song điều quan trọng, trong cái khó, chúng ta biết nhận diện, biết đẩy cơ hội lên; biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội. Chúng ta không ảo tưởng nhưng cũng không hoảng sợ quá mức trước những vấn đề đang đặt ra để bước vào năm 2024 tự tin hơn và phát huy tốt hơn xu thế tích cực.
tran-dinhthien-huong.jpg
PGS, TS. Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia,
nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, năm 2023 đã khép lại. Ông bình luận như thế nào về một số chỉ tiêu chính của nền kinh tế Việt Nam?

Năm 2023, chúng ta đã đạt một số nền tảng tốt, tạo cơ sở cho những năm sau. Chẳng hạn, việc hạ lãi suất tới 4 lần; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí hàng trăm nghìn tỷ đồng; GDP tăng 5,05% so với cùng kỳ năm 2022... là những con số đáng khích lệ, thậm chí chúng ta có thể tự hào về những con số ấy. Điều này đang tạo ra một mặt bằng phát triển, tư duy phát triển khác cho việc điều hành chính sách. Nếu chúng ta thảo luận thấu đáo những điều này trên khía cạnh tư duy chính sách thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Việt Nam đang có “thế”, có “đà” tương đối tốt, là nơi được các nước đặt niềm tin về đầu tư và thương mại. Vấn đề quan trọng là chuyển hóa được cơ hội thành lợi ích thật, biến cơ hội thành lợi thế cạnh tranh thật chứ không để lợi thế so sánh mãi.

Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy, 2023 là một năm khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) thì việc thu ngân sách vượt dự toán lại cho thấy cấu trúc kinh tế có nhiều chuyện phải suy nghĩ. Khi DN khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán thì Nhà nước có thể tạo được cơ sở ngân sách nhưng DN sẽ khó hồi phục hơn. Một trong những “tín hiệu” rõ ràng nhất của năm vừa rồi là năng lực hấp thụ vốn của DN rất yếu trong khi lãi suất liên tục giảm. Như vậy, nền kinh tế chưa “thông” và chúng ta chưa thể an lòng với những con số đó được.

Bên cạnh đó, thời gian triển khai các dự án của DN Việt Nam còn kéo dài, trong khi không DN nào muốn như vậy. Lỗi này thuộc về cơ chế, thuộc về Nhà nước. Phải nhận diện đúng mấu chốt và công bằng về điều này chứ không đổ lỗi. Xử lý được vấn đề đó thì nền kinh tế sẽ tốt lên, Nhà nước cũng tốt lên, DN tốt lên.

Nói như vậy không có nghĩa là Quốc hội hay Chính phủ không biết đến những vấn đề đó. Nền kinh tế bao giờ cũng có 2 mặt. Khi nói về những khía cạnh rất tích cực thì cũng phải làm rõ những mặt có vấn đề, bảo đảm nhận diện khách quan, đánh giá đúng thực lực, đúng trạng thái để lựa chọn mục tiêu và giải pháp chắc chắn hơn cho tương lai. Có như vậy, chúng ta mới không ảo tưởng nhưng cũng không hoảng sợ quá mức trước những vấn đề đang đặt ra để bước vào năm 2024 tự tin hơn và phát huy tốt hơn xu thế tích cực.

Vậy theo ông, đâu là những vấn đề đang đặt ra đối với nền kinh tế trong năm 2024?

Đầu tiên phải đánh giá đúng bối cảnh, nhìn nhận đúng điều kiện. Tình hình chung của thế giới năm 2024 có thể còn khó khăn, phức tạp hơn năm 2023. Ví dụ, các xung đột khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu vẫn theo hướng tiêu cực và nhìn dài hơn, tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ đối mặt với "một thập niên mất mát" (kể từ năm 2022). Những chuyện như vậy, chúng ta cần phải đánh giá đủ xa và đủ sâu, đủ cụ thể, đủ chính xác thì mới bàn đến những vấn đề của Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới như vậy, nền kinh tế nước ta có độ mở rất cao, dù ta chưa mạnh nhưng năm 2023 cho thấy, nước ta cũng có những điểm yếu "chí tử". Tại sao DN phải giải thể nhiều, nền kinh tế không hấp thụ được vốn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn vất vả?... Điều đó cho thấy có những vấn đề mà bình thường đã khó thay đổi và trong bối cảnh hiện nay khả năng vượt qua những khó khăn đó cũng là thách thức lớn.

Thế nhưng, trong “nguy” vẫn có “cơ”. Vậy ông nhận thấy những cơ hội nào cho Việt Nam và làm gì để nền kinh tế biến “nguy” thành “cơ”?

Năm tới có những cái thuận, ví dụ như kinh tế Mỹ và kinh tế khu vực Đông Nam Á vẫn khá vững, Ấn Độ có thể vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, còn Trung Quốc có thể khó khăn. Thời cơ, thách thức đan xen chính là ở đó. Vì vậy, cần nhận diện mọi khía cạnh để nước ta tận dụng tích cực hơn, thậm chí điểm yếu cũng có thể tận dụng được. Ví dụ, việc khan hiếm lương thực hay những khó khăn do xung đột, do hạn hán… lại là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam. Cha ông ta thường nói là trong cái khó biết nhận diện, biết đẩy cơ hội lên; nếu là thách thức, là nguy cơ thì ta biến nó thành cơ hội chứ không “cắn răng chịu đựng”.

Năm 2023 còn nhiều việc chưa thành công như mong muốn nhưng tư duy của Chính phủ đã mở ra những cách tiếp cận mới về chính sách.

Năm 2024, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có thể làm tốt và cần phát huy. Mặt khác, có những cái yếu bên trong, đến năm nay bắt đầu mở ra cơ hội như lĩnh vực bất động sản. Theo lý thuyết “hòn tuyết lăn", chúng ta đẩy gia tốc của cái tích cực đó lên. Công nghiệp, đặc biệt là du lịch cũng vậy. Nếu chúng ta lấy du lịch là một điểm tạo cú huých thì có thể “ăn to” và cần những điểm đột phá ngắn hạn để tạo ra cú huých dài hạn.

Nhìn dài hạn, tôi thấy sáng hơn, ví dụ như cách tiếp cận Việt Nam có tham gia được vào chuỗi toàn cầu về sản xuất chip bán dẫn không? Hay chúng ta có thể xoay chuyển được cấu trúc năng lượng không? Đây là những câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng tầm vóc rất lớn, đặt ra đúng lúc và những việc làm được trong cuối năm ngoái cho thấy chúng ta đang biến khả năng thành hiện thực ngày càng cao.

Thế nhưng, chúng ta vẫn phải nỗ lực làm một số việc khó. Tại sao năng lực công nghệ thông tin, AI của Việt Nam tốt, nhưng gần đây mới “bốc” lên được tương đối. Chúng ta đã tiếp cận sản xuất chip rất sớm nhưng tại sao khi cái chip có thể xoay chuyển tình thế thì ta lại đứng ngoài lề lâu như vậy? Câu trả lời là ta thiếu nhân lực, thiếu những tập đoàn lớn có thực lực tài chính, có năng lực làm đối tác công nghệ, đối tác tài chính cho DN nước ngoài khi họ đến Việt Nam. Năm 2024, chúng ta phải tập trung vào công nghiệp năng lượng, nhất là sản xuất công nghệ cao gắn với chip, gắn với công nghệ thông tin theo cấu trúc mới. Nếu làm được những việc đó, chúng ta sẽ xoay chuyển được tình thế dài hạn.

Năm 2024, triển vọng theo nghĩa ngắn hạn là tốt nhưng không nên quá chú tâm thêm 0,1%, 0,2% tăng trưởng. Điều đó quan trọng nhưng hiện nay, mục tiêu tối cao là phải tạo ra những nền tảng cho dài hạn. Nền tảng ấy có thể chưa làm cho tăng trưởng ngay, thậm chí đòi hỏi chi tiêu thì phải có cách nhìn đủ tầm. Chúng ta không bỏ qua tăng trưởng nhưng không dốc sức mà quên đào tạo, quên nguồn nhân lực. Năm 2024 có thể là nền tảng cho dài hạn hoặc trung hạn. Nếu chúng ta vẫn cứ say sưa với thành tích từng năm, thỏa mãn vì thế giới khó khăn nhưng ta vẫn làm được thì có thể coi đó là bước đầu của sự chững lại, thậm chí là bị loại khỏi cuộc chơi lớn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

THÙY ANH (thực hiện)