Thị trường chứng khoán 2024: Bước qua thăng trầm và kỳ vọng bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 20:18, 03/02/2024

(BKTO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước sang năm 2024 với kỳ vọng lớn từ giới đầu tư dựa trên nền tảng vĩ mô vững chắc. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các chỉ số vĩ mô và dự báo đều hứa hẹn về kỳ vọng bứt phá khi thị trường có thể bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá.
thi-truog-chung-khoan-2024-x.hong.jpeg
Chứng khoán sẽ đón “sóng lớn” trong năm 2024. Ảnh minh họa

Thời điểm khó khăn nhất đã qua

Nhìn lại năm 2023, TTCK Việt Nam đã hồi phục tích cực sau một năm 2022 giảm sâu. Với việc tăng 12,2% điểm số, kết thúc năm 2023 tại mốc 1.129,93 điểm, chỉ số VN-Index cũng đã hồi phục đến 23,9% từ đáy trung hạn giữa tháng 11/2022, dù vẫn thấp hơn 26,1% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2022. Tuy nhiên, nếu so với các thị trường khác trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... tăng trưởng trong năm qua của VN-Index vẫn rất khả quan.

Thực tế cho thấy, dòng tiền trên TTCK đã có sự khởi sắc trong năm 2023. Thanh khoản bình quân năm dù vẫn thấp hơn khoảng 12% so với năm 2022 (quanh 17.600 tỷ đồng), nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức nền thấp của quý IV/2022. Trong đó, thanh khoản đã tăng dần trong các quý và vẫn duy trì ở mức cao trong thời điểm đầu năm 2024. Đáng chú ý, những phiên giao dịch tỷ USD xuất hiện trở lại trong năm 2023 dày hơn và dòng tiền nội đã thể hiện vai trò nâng đỡ, trong khi khối ngoại trở lại rút ròng gần 1 tỷ USD. Việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trong năm 2023 cũng là xu hướng chung tại nhiều thị trường trong khu vực, trong bối cảnh đồng USD tăng cao và Việt Nam cũng không có nhiều cổ phiếu mới niêm yết hoặc thuộc các ngành đang “hot” như công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

Dự báo năm 2024, VN-Index có thể đạt đỉnh tại 1.300 điểm, tuy nhiên thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000-17.000 tỷ đồng trên cả ba sàn, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023.

Công ty Chứng khoán Vietcombank

Quyết tâm lành mạnh hóa TTCK tiếp tục được thể hiện rõ trong năm 2023. Hàng loạt cá nhân liên quan đến các vụ án thao túng TTCK bị khởi tố hình sự. Các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát cũng được thực thi nghiêm. Nhiều cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch do kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin… Các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin thậm chí đã bị huỷ niêm yết. Ngoài ra, quyết tâm thanh lọc thị trường còn được thể hiện qua nỗ lực làm sạch dữ liệu chứng khoán của các cơ quan chức năng. Gần 887.000 tài khoản chứng khoán đã bị "xóa sổ" - con số này chủ yếu đến từ hoạt động rà soát các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch. Ở chiều ngược lại, lượng tài khoản mở mới trong khoảng thời gian này chỉ hơn 315.000 tài khoản. Điều này khiến số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước lần đầu tiên có sự sụt giảm kể từ khi dữ liệu được công bố. Thời điểm cuối tháng 11/2023, nhà đầu tư trong nước có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 7% dân số.

Dù có nhiều biến động, nhưng có thể nói, trong một năm sóng gió của nền kinh tế thế giới với biến động địa chính trị, mặt bằng lãi suất USD tăng cao trong thời gian dài, việc Việt Nam giữ được mức tăng trưởng GDP ở mức 5,05% là một nỗ lực đáng ghi nhận. Quan trọng hơn, các nỗ lực xử lý các vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước đầu có kết quả, không để tạo ra những hệ lụy quá tiêu cực trong tâm lý nhà đầu tư. Đến nay có thể khẳng định, thời điểm khó khăn nhất đã qua, mặt bằng lãi suất đã quay trở lại mức thấp, lạm phát được kiểm soát và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng không còn tình trạng căng thẳng như cuối năm 2022.

Năm 2024, giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá

Những khởi sắc của thị trường năm 2023 là cơ sở để giới đầu tư và các thành viên trên thị trường có chung góc nhìn tích cực về triển vọng chứng khoán sẽ đón “sóng lớn” trong năm 2024. Một số chuyên gia và đại diện công ty chứng khoán trong nước kỳ vọng, sự xoay chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là động lực chính hỗ trợ kinh tế vĩ mô năm 2024. Đây cũng là một điểm tựa cho TTCK.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn FinPeace Nguyễn Tuấn Anh nhận định, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá. “Sau giai đoạn 2022-2023 đi xuống và đi ngang ở đáy, chúng tôi kỳ vọng năm 2024 có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Đây cũng là điểm bắt đầu một chu kỳ lớn” - ông Tuấn Anh nói và cho rằng, về mặt kỹ thuật, năm 2024 sẽ xuất hiện những nhóm cổ phiếu tăng trưởng được theo xu hướng (trend) và chớm đầu của xu hướng.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital Andy Ho đánh giá, trong năm 2024, thị trường bất động sản cũng sẽ phục hồi lại, chưa kể yếu tố lạm phát đang ở mức 3-4%, hay tiền đồng có thể mất giá 1-2%/năm thì rõ ràng sẽ có cơ hội nhiều cho TTCK. Một yếu tố cũng được kỳ vọng sẽ là “bệ phóng” cho TTCK là Việt Nam có thể được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng, thì đây là yếu tố quan trọng để thu hút dòng tiền từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.

Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) Trần Đức Anh cho rằng, động lực tăng trưởng của TTCK năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết năm 2024 ước trong khoảng 15-20% dựa trên nền năm 2023 tăng trưởng thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) thị trường hiện ở mức 13 lần - mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường năm 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.

Chuyên gia này cũng kỳ vọng sự xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như: FED, ECB là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm và các đầu tàu kinh tế của thế giới như: Mỹ, Trung Quốc và EU vẫn tồn tại rủi ro. “Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi” - ông Đức Anh kỳ vọng.

Với góc nhìn lạc quan, các chỉ số, nhận định đều đang hứa hẹn TTCK bước vào chu kỳ tăng giá. Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa thị trường đã hoàn toàn “sáng cửa” khi bước qua vùng đáy. Giới chuyên gia khuyến nghị, những rủi ro từ thị trường bất động sản, sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu hay dấu hiệu suy yếu của nhiều địa phương có khối FDI làm “đầu tàu” có thể ảnh hưởng đến bức tranh vĩ mô tổng thể. Trên thế giới, nguy cơ về một cuộc suy thoái vẫn đang hiện hữu, kịch bản các nền kinh tế lớn sẽ “hạ cánh mềm” có thể bị phá vỡ bởi nhiều yếu tố. Từ đây, giới đầu tư chứng khoán có thể phải đặt mình trong kịch bản “lạc quan trong thận trọng” khi những cơ hội và thách thức vẫn đang đan xen, mặc dù có nhiều cơ sở để kỳ vọng rằng những gì xấu nhất đã đi qua./.

HỒNG NHUNG