Giữ “lửa” cải cách vì doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 20:18, 03/02/2024

(BKTO) - Năm 2024, dự báo cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao. Do đó, để DN có thể duy trì đà phục hồi, phát triển, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh (MTKD) theo hướng thực chất, không có điểm dừng và vì DN.
cai-cach-danh-nghiep-thien.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để phát triển. Ảnh minh họa

Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản

Nhìn lại hoạt động cải cách, cải thiện MTKD trong năm 2023, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu MTKD và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, năm 2023, trong bối cảnh cộng đồng DN tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sự suy giảm kinh tế toàn cầu và những bất cập nội tại trong nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn cho DN. Cụ thể, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ DN, như: Ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn; ban hành nhiều văn bản, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong một số lĩnh vực như: Y tế, đất đai, bất động sản, trái phiếu DN… “Với những chỉ đạo, hành động quyết liệt, cấp tập của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ở mức độ nhất định, cộng đồng DN đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ” - bà Thảo nhấn mạnh.

Tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đề ra mục tiêu, năm 2024, số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số DN rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận một cách thẳng thắn có thể thấy MTKD vẫn còn tồn tại nhiều rào cản. Chẳng hạn như, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tuy giảm hình thức về số lượng, nhưng nội hàm lại mở rộng và bao trùm hơn, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến DN đối mặt với những rủi ro. Bên cạnh đó, còn tồn tại thực trạng lạm dụng ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nhiều quy chuẩn kỹ thuật có chất lượng tương đối thấp, quy chuẩn có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển, quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng đáp ứng của nhiều DN. Ngoài ra, hoạt động cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm chuyển biến, ảnh hưởng tới thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa và tăng chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Tồn tại nữa của MTKD theo chia sẻ của nhiều hiệp hội, DN đó là vẫn còn phổ biến tình trạng thanh tra, kiểm tra với tần suất khá thường xuyên. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, nhiều DN trong ngành thủy sản phản ánh tình trạng DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường..., dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN.

Duy trì đà cải cách để tạo trợ lực cho doanh nghiệp phát triển

Trong bối cảnh hoạt động cải cách đang có xu hướng chững lại, MTKD còn có những “gập ghềnh” nhất định, để hỗ trợ, thúc đẩy DN phục hồi và phát triển, năm 2024, Chính phủ đã quyết định ban hành trở lại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 02/NQ-CP), sau một năm các nội dung về cải thiện MTKD được lồng ghép vào Nghị quyết số 01/NQ-CP về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. “Với sự trở lại của nghị quyết riêng về MTKD, thông điệp được đưa ra là Chính phủ chọn cải thiện MTKD là vấn đề rất quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và như vậy đem đến kỳ vọng sẽ được thực hiện mạnh mẽ, cải thiện hơn năm 2023” - bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Nghị quyết đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN như: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN…

Để “sức nóng” của Nghị quyết chuyển hóa thành những kết quả cụ thể, thực chất, theo các chuyên gia, cần có sự tham gia tích cực của các hiệp hội, cộng đồng DN, bởi những ý kiến đóng góp, phản hồi về chính sách sẽ là thông tin đầu vào hữu hiệu để các cơ quan quản lý nhận diện kịp thời những vướng mắc, rào cản của MTKD, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp. Cùng với đó, cần tăng cường sự giám sát và đánh giá độc lập của các hiệp hội DN, các đơn vị nghiên cứu, đây là một yếu tố quan trọng để đảm bảo những kết quả thực hiện cải cách là thực chất. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, sự quan tâm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. “Trên thực tế, trong rất nhiều vấn đề liên quan đến DN, những lĩnh vực nào được người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao thì lĩnh vực đó có sự chuyển biến rất tích cực” - ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Không chỉ các DN Việt Nam kỳ vọng vào sự cải thiện đột phá về MTKD, mà các DN nước ngoài cũng đánh giá MTKD thuận lợi là điểm cộng lớn nhất thu hút và giữ chân các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam. Đối với các DN châu Âu, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam - chia sẻ, các DN cho biết 2 rào cản lớn nhất đối với các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đó là sự thiếu rõ ràng trong nhiều quy định pháp luật và khó khăn về thủ tục hành chính. Do đó, để cải thiện năng lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, các DN châu Âu đề xuất Việt Nam cần tiếp tục giảm bớt khó khăn về thủ tục hành chính, cải cách thể chế thông qua việc nâng cao tính minh bạch của hệ thống quy định pháp luật./.

DIỆU THIỆN