Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN
Đầu tư - Ngày đăng : 16:25, 02/02/2016
(BKTO)- Cập nhật thông tin mới nhất về tình hình thực hiện tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 mà trọng tâm là sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại các DNNN, thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết: Đến hết năm 2015, trên cả nước đã CPH được 514 DN, đạt 95% mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn, trong đó chỉ tính riêng năm 2015 đã CPH được 220 DN. Tính chung từ trước tới nay, trên cả nước đã CPH được hơn 4.000 DN. Kết quả này thể hiện rõ sự cố gắng của Chính phủ, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương.
Vinamilk là trường hợp điển hình trong số các DN hoạt động tốt hơn sau CPH. Ảnh: TS
Trọng tâm là CPH và thoái vốn
Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là CPH và thoái vốn Nhà nước tại DN. Theo đó, Bộ Tài chính đã trực tiếp tham mưu cho Chính phủ xây dựng ban hành hàng loạt các cơ chế chính sách mới giúp các Bộ, ngành, DN tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CPH, thoái vốn.
Nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ đối với mục tiêu tái cơ cấu DNNN, ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN (Văn phòng Chính phủ) nêu rõ, CPH không phải là để bán bớt hay thu hồi vốn Nhà nước mà chính là để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau khi trở thành DN cổ phần. Thực tế, nhiều DN đã chứng minh được hiệu quả hoạt động tốt hơn sau CPH, mà một trường hợp điển hình đã được nhiều người nhắc đến với cả sự ngưỡng mộ và lòng tự hào, đó là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) với tiền lãi mỗi năm hiện lên tới 7.000 tỷ đồng. Đến nay, tất cả mọi người đều thừa nhận CPH là một giải pháp cơ bản quan trọng nhất trong tái cơ cấu DNNN.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), tổng số vốn đầu tư ngoài ngành cần phải thoái của các tập đoàn, tổng công ty vào khoảng 23.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2015, đã thoái được khoảng 9.000 tỷ đồng; (một số đã nhận được cổ tức hơn 4.000 tỷ đồng) hiện còn lại khoảng hơn 16.000 tỷ đồng chủ yếu đọng tại hai lĩnh vực ngân hàng và bất động sản.
Giải đáp thắc mắc về quy trình CPH của các DN còn lại (chủ yếu là các DNNN đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định và chờ giải pháp đề xuất được thông qua hoặc chờ cơ chế mới để tháo gỡ), đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhấn mạnh, nếu DN duy trì mô hình tập đoàn, tổng công ty thì chắc chắn phải CPH công ty mẹ trước. Còn với các công ty con thì tùy thuộc theo chiến lược, quy mô và mô hình quản lý DN để chuyển đổi cho phù hợp, tùy từng ngành có thể giữ DN 100% vốn công ty mẹ hoặc chuyển thành công ty cổ phần, hoặc công ty 2 thành viên. Điều đó do công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty quyết định chứ Nhà nước không can thiệp.
Một thực tế khiến cho tiến trình CPH thời gian qua vướng là do một số DN hoạt động trong những ngành nghề đặc thù nên cần phải có những cơ chế đặc thù. Ông Nguyễn Duy Long (Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính) khẳng định, cơ chế chính sách không thể bao quát hết tất cả các đặc thù của DN, vì thế nếu đưa hết các đặc thù của từng DN vào trong một Nghị định của Chính phủ thì văn bản sẽ không có tính khả dụng lâu dài. Do đó, chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế cho Nghị định 59 trong đó đưa ra những cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp chung với các đối tượng CPH trong giai đoạn 2016-2020, dưới đó mới là các văn bản quy định riêng cho mỗi trường hợp, nhóm trường hợp.
Trao đổi về những khó khăn hiện hữu trong xác định giá trị DN trước khi CPH, ông Nguyễn Trọng Dũng cho biết, Chính phủ hiện nay chủ trương phải xử lý triệt để những tồn tại, vướng mắc tài chính đối với DN trước khi CPH theo quan điểm Nhà nước phải gánh, chứ không để cổ đông phải gánh. Vì thế, đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn mà DNNN đã đầu tư ra ngoài sẽ được căn cứ theo giá trị thực trên thị trường để xác định giá trị DN, chứ không dựa vào mệnh giá… ghi trên cổ phiếu.
Cũng liên quan đến vấn đề xác định giá trị DN trước khi CPH, mới đây, Chính phủ đã cho phép những DN vừa điều chỉnh tăng vốn điều lệ thì không phải điều chỉnh giá trị sổ sách, mà chỉ căn cứ vào giá trị vốn điều lệ ngay trước đó đã được kiểm toán, xử lý tài chính để xác định giá trị DN, còn tổng vốn điều lệ của DN sau khi điều chỉnh tăng sẽ chỉ là cơ sở để xác định giá khởi điểm bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Vì thế, vừa qua, 3 trường hợp của Vietinbank, Vietcombank và BIDV đã được Chính phủ cho phép không phải điều chỉnh giá trị sổ sách và gần đây, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cũng đã được Thủ tướng đồng ý với phương án này.
Tạo thuận lợi cho DN và nhà đầu tư
Mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông chiến lược là tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư. Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra chủ trương rất rõ ràng: Nhà nước chỉ giữ lại những gì thuộc độc quyền, độc quyền tự nhiên trong từng giai đoạn và những gì mà tư nhân không làm được, xã hội không làm được thì Nhà nước phải làm, còn lại tinh thần là đa sở hữu. Vì thế, danh mục DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn còn lại rất ít. Thực hiện chủ trương này, tới đây Nhà nước sẽ chỉ còn lại 2 mức là nắm giữ 51% và 65% trong các công ty cổ phần có vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia, từ những bài học rút ra từ thực tiễn thời gian qua, DNNN phải thực sự chú trọng đến việc tìm kiếm, tìm hiểu để quyết định lựa chọn được những cổ đông chiến lược, bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của DN, còn phải có năng lực tài chính, hỗ trợ DN phát triển thị trường, hiện đại hóa công nghệ... “Cổ đông chiến lược phải là người khắc phục những thiếu sót, yếu điểm của DN trước đây, giúp DN phát huy sở trường, năng lực của mình và đặc biệt là họ phải cam kết tiếp tục thúc đẩy DN hoạt động trong ngành nghề kinh doanh chính khi Chính phủ, Bộ, ngành còn yêu cầu” - ông Nguyễn Trọng Dũng nhấn mạnh.
Xuất phát từ đề nghị của các Bộ, ngành, Chính phủ cũng đồng ý với phương án DN có thể bán thêm cổ phần cho người lao động theo hướng ưu tiên bán cho người có thâm niên công tác, và người có cam kết làm việc lâu dài tại DN. Liên quan đến chi phí CPH, một lời khuyên được các chuyên gia đưa ra là các DN không nên quá “lăn tăn” với mức chi phí CPH là 500 triệu hay 600 triệu đồng, bởi các khoản chi phí này sau đó đều được kiểm toán. Và thực tế là đã có đơn vị như Vietnam Airlines xác định chi phí CPH lên tới 54 tỷ đồng.
Những quan điểm đổi mới này đã hỗ trợ hết sức linh hoạt, tạo thuận lợi để đẩy nhanh quá trình CPH, thoái vốn của DNNN. Thay cho lời kết xin được dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng: Tuy các DNNN cần CPH trong giai đoạn tới đều là những DN có quy mô vốn rất lớn, nhưng thành công trong công tác CPH, sắp xếp đổi mới DN phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu DN. Chúng ta chỉ có thể làm tốt khi gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả của kiểm toán. Bởi với những khuôn khổ pháp lý, môi trường hoạt động như hiện nay thì công tác CPH, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, quyết tâm của người đứng đầu DN!
HỒNG THOAN