Khai mạc phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Đối nội - Ngày đăng : 14:15, 15/10/2018
(BKTO) - Sáng 15/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 28 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo chương trình, Phiên họp 28 diễn ra từ ngày 15-17/10.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn |
UBTVQH sẽ cho ý kiến các báo cáo về NSNN, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, gồm: Báo cáo về Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 giữa các Bộ, địa phương; Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; Báo cáo kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019- 2021 (trong đó có đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020); Báo cáo về nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017.
UBTVQH cũng cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018. Đồng thời, cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định việc thành lập một số thị trấn và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; cho ý kiến về công tác nhân sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây đều là nội dung quan trọng để Quốc hội xem xét đưa ra quyết định tại Kỳ họp thứ 6, đặc biệt là quyết định vấn đề phát triển kinh tế- xã hội và NSNN năm 2019. Vì vậy yêu cầu các thành viên UBTVQH tích cực đóng góp ý kiến, hoàn thiện các báo cáo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng GDP
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã nghe và thảo luận về các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế- xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016- 2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020, tình hình kinh tế- xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (trong đó, đã có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch 5 năm).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn |
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thu NSNN năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ước đạt 3,67%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tạo động lực cho tăng trưởng. Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn; thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả quan trọng, cải cách thể chế được triển khai mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và đi vào thực chất; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được chú trọng…
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với những đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế- xã hội năm 2018. Theo cơ quan thẩm tra, những kết quả tích cực về kinh tế- xã hội đã tạo hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, theo cơ quan thẩm tra, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới. Cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Về thị trường tiền tệ, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn những vướng mắc do công tác triển khai và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của hiện tượng diễn biến ngược chiều nhau về quy mô vốn bình quân và quy mô bình quân lao động của DN ngoài nhà nước đăng ký thành lập mới; tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể cao, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; đánh giá một cách đầy đủ hơn về thực trạng của DN.
Cần giải pháp đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu
Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 và việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế thống nhất với mục tiêu tổng quát được nêu trong Tờ trình của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá kỹ tính hợp lý và khả thi của chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời làm rõ cơ sở chỉ tiêu Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% trong khi kết quả của các năm 2016, 2017 và ước của năm 2018 đều xuất siêu.
Đối với chỉ tiêu Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4%, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội yêu cầu là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật. Trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đánh giá tác động, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, bảo đảm nguồn lực thực hiện. Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và tận dụng những cơ hội Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, lựa chọn thời điểm tăng giá và mức độ tăng giá phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý.
Tập trung cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, giảm bội chi NSNN. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản. Bố trí đủ nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình, dự án đã phê duyệt. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia, tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng bộ với đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm.
Với những kết quả đã đạt được và hạn chế của 3 năm 2016-2018, dự kiến kế hoạch năm 2019, Ủy ban Kinh tế cho rằng, có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 cho giai đoạn 2016- 2020, song một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, gồm các chỉ tiêu như: Tỷ lệ GDP bình quân đầu người; Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP năm cuối kỳ; Tỷ lệ lao động qua đào tạo. Ngoài ra, thực tế phát triển DN nói chung và DN khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.
Đ. KHOA