Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao
Kiểm toán - Ngày đăng : 08:40, 09/02/2024
Thưa ông, là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong hoạt động kiểm toán, xin ông cho biết cụ thể về một số kết quả nổi bật của đơn vị thời gian qua?
Trong các năm qua, đơn vị chủ yếu thực hiện các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), báo cáo quyết toán NSĐP và kiểm toán chuyên đề, như: Năm 2022 thực kiểm toán 4 cuộc kiểm toán NSĐP và 3 cuộc kiểm toán chuyên đề; năm 2023 thực kiểm toán 2 cuộc kiểm toán NSĐP và báo cáo quyết toán NSĐP, 2 cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP và 4 cuộc kiểm toán chuyên đề.
Qua kiểm toán, đơn vị có một số kết quả kiểm toán nổi bật như: Phát hiện các tồn tại, hạn chế trong sử dụng ngân sách để đầu tư khu công nghiệp và miễn, giảm tiền thuê đất tại các khu công nghiệp đầu tư bằng ngân sách nhà nước; trong quản lý tiền cho thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; trong tính tiền sử dụng, tiền thuê đất, khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi giao đất, cho thuê đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng; trong việc sử dụng quỹ phát triển đất để ứng tiền cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng…
Ngoài kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và chấn chỉnh công tác quản lý, qua kiểm toán năm 2022, đơn vị đã kiến nghị địa phương tổ chức thanh tra đối với 13 vụ việc; tổ chức làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định tại 23 đơn vị; có 4 kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật. Năm 2023, qua kiểm toán, đơn vị cũng đã kiến nghị địa phương tổ chức kiểm tra hoặc thanh tra 5 vụ việc, tổ chức làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý tại 18 đơn vị và 6 kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật.
Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tổ chức kiểm toán để nâng cao chất lượng, từ đó mang lại kết quả cao trong thực hiện kiểm toán, thưa ông?
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN và các quy định, quy trình, chuẩn mực kiểm toán, quản lý chặt chẽ các đoàn kiểm toán nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì đơn vị còn chú trọng thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường tập huấn quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm toán, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và kỹ năng phát hiện, thu thập bằng chứng về các sai phạm, hạn chế của đơn vị được kiểm toán để xây dựng đội ngũ kiểm toán viên “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông”; đồng thời lãnh đạo đơn vị luôn yêu cầu, tạo điều kiện cho kiểm toán viên đổi mới, sáng tạo, nâng cao tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi người.
Trong quá trình kiểm toán, lãnh đạo đoàn kiểm toán phải bám sát tổ kiểm toán, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu cùng với tổ kiểm toán để định hướng, nâng cao chất lượng chỉ đạo hoạt động kiểm toán nhằm phát hiện các tồn tại, hạn chế trọng yếu tại đơn vị được kiểm toán, nhất là đối với những hoạt động, lĩnh vực, đơn vị có khả năng xảy ra sai phạm lớn, nội dung kiểm toán mới, phức tạp...
Đi đôi với nhiệm vụ kiểm toán, cần phải tăng cường và đảm bảo hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán. Theo đó, các tổ kiểm soát phải thực hiện kiểm soát bằng chứng kiểm toán, cơ sở pháp lý của tất cả kết quả kiểm toán có kiến nghị, nhất là đối với kiến nghị xử lý tài chính; chú trọng kiểm soát, thẩm định các nội dung chưa thống nhất về nhận định và xử lý. Tổ kiểm soát phải hoàn thành việc kiểm soát hồ sơ kiểm toán trước khi Kiểm toán trưởng xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán.
Cùng với đó, cần thực hiện đánh giá nghiêm túc, thực chất về chất lượng của đoàn, tổ kiểm toán và kiểm toán viên theo tiêu chí, thang điểm do KTNN quy định, khắc phục tình trạng đánh giá sơ sài, hình thức đối với các tiêu chí không được lượng hóa. Để thực hiện tốt việc này, đơn vị đã quy định cụ thể, chi tiết việc chấm điểm đối với các tiêu chí này như trong đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật và quy định của KTNN, việc đảm bảo chất lượng và tiến độ; việc chấp hành phân công, chỉ đạo của cấp trên; thái độ và tinh thần phối hợp công tác…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN năm 2024 là tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách để cung cấp thông tin kịp thời cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND). Đơn vị có giải pháp gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa ông?
Theo quy định tại Điều 71 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn; kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trước khi gửi HĐND tỉnh xem xét, phê chuẩn. Nhiệm vụ này đã được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030), đó là đến năm 2025 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán ngân sách nhà nước các Bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán NSĐP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, ngoài các giải pháp phải thực hiện như đối với các cuộc kiểm toán khác, đơn vị có các giải pháp riêng như: Tập huấn cho kiểm toán viên việc sử dụng các phần mềm kế toán, quyết toán ngân sách; bố trí nhân sự và thời gian đảm bảo thực hiện có chất lượng các nội dung kiểm toán tại Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP của KTNN; bố trí thời điểm triển khai kiểm toán và rút ngắn thời gian lập, thẩm định, xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán để đảm bảo báo cáo được phát hành, gửi đến HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tài chính trước tháng 12 hằng năm để Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời trình HĐND tỉnh số liệu đã được KTNN xác nhận…
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Với những thành tích nổi bật, KTNN khu vực V là đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của KTNN; nhiều năm được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiều lượt tập thể, cá nhân của đơn vị cũng được khen thưởng cấp Nhà nước, cấp ngành.