Năm 2024: Việt Nam có cơ hội thay đổi mô hình tăng trưởng

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:45, 10/02/2024

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Các dự báo cho thấy kinh tế thế giới có thể bớt khó khăn hơn.
dai-bieu-hoang-van-cuong.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Ví dụ lạm phát có thể giảm; các nước lớn (như Mỹ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới đều dự báo các khu vực kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm 2023. Điển hình như: Tăng trưởng kinh tế chung thế giới năm 2024 có thể giảm còn 2-2,4% so với mức 3% của năm 2023; kinh tế Mỹ năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,5% thì sang năm 2024 có thể chỉ còn khoảng 1,5%; Nhật Bản năm 2023 đạt 2% thì sang năm 2024 có thể chỉ còn 1%. Ngay như Trung Quốc năm nay là 5,2%, nhưng sang năm sẽ xuống dưới 5%... Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của hầu hết các khu vực sẽ chậm lại nhưng không có nghĩa là nền kinh tế suy thoái mà đi vào thời kỳ "hạ cánh mềm", bởi lẽ năm 2023 đã tăng lên, năm 2024 tiếp tục tăng nhưng không thể giữ được đà tăng cao.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam lại đặt mục tiêu ngược lại so với thế giới. Năm 2023, GDP đạt khoảng 5,05% và nước ta mong muốn năm 2024 phải đạt 6 đến 6,5%. Rõ ràng đó là một thách thức vô cùng lớn. Như vậy, chúng ta phải tạo ra những bứt phá rất mạnh mẽ thì mới có thể đạt được mục tiêu này. Bởi lẽ, trong bối cảnh thế giới khó khăn như năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn tăng khá đều. Quý I, tăng trưởng 3,41%, quý II khoảng 4,5%, sang quý III đạt 5,7% và đến quý IV lên 6,7%. Như vậy, đồ thị tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang đi rất đều, áp lực về lạm phát, các vấn đề tiền tệ ổn định, các chính sách trong nước cũng có thể được nới rộng và bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 có xu hướng sẽ tốt hơn. Điều ấy chứng tỏ rằng môi trường bên trong và bên ngoài cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đang được cải thiện và xu hướng kinh tế đang tăng, do đó chúng ta kỳ vọng nó sẽ đi tiếp chu kỳ năm trước và có thể đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ hội mới mở ra như tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng cũ để tạo ra xung lực lớn hơn. Đặc biệt, chúng ta phải đón bắt ngay những cơ hội, động lực tăng trưởng mới, như: Xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đó là động lực tăng trưởng mới đang rất tích cực, không chỉ khơi dậy nguồn lực trong nước mà chúng ta đang chờ đón các dòng đầu tư nước ngoài, các nguồn lực tài chính xanh từ bên ngoài vào quá trình chuyển đổi này.

Một cơ hội mới nữa mà chúng ta phải thấy rằng đây có thể là dấu mốc để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam, là cơ hội ngàn năm có một. Nếu không chớp được thì có thể chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào chuỗi phát triển các mô hình kinh tế thấp. Đó là xu hướng chuyển dịch các dòng đầu tư của những ngành công nghệ cao, điển hình như Mỹ sẽ chuyển dịch những ngành đầu tư công nghệ cao có giới hạn cho những quốc gia bạn bè, cho những quốc gia được tin cậy.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ của ngành công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn hoặc trí tuệ nhân tạo. Nếu chúng ta chớp được cơ hội của dòng dịch chuyển này trong năm 2024 thì sẽ là một cơ hội để chúng ta chuyển đổi, thay đổi mô hình tăng trưởng, từ một nền kinh tế phụ thuộc vào những hoạt động đầu tư gia công, lao động có giá trị thấp sang một mô hình tăng trưởng mới là những ngành dựa vào khoa học công nghệ, những sản phẩm mới như chip hay trí tuệ nhân tạo. Đó là những ngành tạo giá trị gia tăng rất cao, đòi hỏi chúng ta phải sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao chứ không thâm dụng lao động như ngành dệt may, gia công, lắp ráp. Đó là điều kiện để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra năng suất lao động cao vượt trội và là bước ngoặt, là một yếu tố then chốt để chuyển từ một nền kinh tế có năng suất lao động thấp sang năng suất lao động cao, từ một nước có thu nhập ở mức trung bình sẽ bứt phá vươn lên thành nước có thu nhập cao./.

THÙY ANH (ghi)

GS,TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội