Hải Phòng đẩy mạnh kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản miền núi, hải đảo

Địa phương - Ngày đăng : 14:23, 15/02/2024

(BKTO) - Với vai trò “cầu nối”, ngành công thương Hải Phòng đã và đang nỗ lực kết nối, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, người sản xuất trên địa bàn thành phố Cảng và các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong cả nước.
hai-phong.jpg
Hoạt động giới thiệu, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng).

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án, chương trình thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo... Bộ Công Thương đã phối hợp các bộ, ngành và địa phương, trong đó có thành phố Hải Phòng triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm kết nối, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long (Hải Phòng) là một đơn vị sản xuất, chế biến sản phẩm lương thực, thực phẩm với sản lượng từ 3.000 đến 5.000 tấn sản phẩm/năm. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp chủ yếu là nông sản, thủy sản của nông dân, ngư dân không chỉ của Hải Phòng, mà còn sử dụng lượng lớn nguyên liệu được cung ứng từ các địa phương trong cả nước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Hạ Long Nguyễn Hữu Miền cho biết, nhà sản xuất cần nguồn nguyên liệu tốt, bảo đảm và thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, ngành công thương đã hỗ trợ tích cực cho đơn vị trong kết nối nguồn cung nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động: chương trình xúc tiến thương mại, “Đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo”, các triển lãm, hội chợ thương mại, hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm…

Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Văn Thành chia sẻ, với vị trí đô thị lớn của khu vực và cả nước, Sở Công Thương thành phố đã tích cực phối hợp các cơ quan chức năng Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Trong đó, Sở tập trung tổ chức các hội chợ triển lãm, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp, đơn vị sản xuất của Hải Phòng với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước…

Liên tục trong năm 2023 và đầu năm 2024, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Tiệp, Siêu thị Co.opmart Hải Phòng, Siêu thị Aeon Hải Phòng… thường xuyên diễn ra các chương trình hội chợ công thương Vùng đồng bằng sông Hồng, hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP Vùng đồng bằng sông Hồng, “Chợ Tết Công đoàn” Hải Phòng năm 2024, giới thiệu nông sản, hàng hóa của Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên…

Tại các triển lãm, hội chợ này, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước đã giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề; các sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng; lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng nông, lâm, thủy, hải sản chế biến, thời trang…

Chị Trần Thị Hương, đại diện Hợp tác xã nông sản dược liệu Mạnh Hương (tỉnh Lào Cai) cho hay, đơn vị được tạo điều kiện thuận lợi để tham dự các kỳ hội chợ tại Hải Phòng. Tại đây, hợp tác xã không chỉ giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng thành phố Cảng những sản phẩm thuốc nam độc đáo của bà con dân tộc ít người, các sản phẩm OCOP đặc sắc của miền núi, mà còn mở ra cơ hội để hợp tác xã liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm của mình ở Hải Phòng và nhiều địa phương khác trong cả nước…

Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết, không chỉ dừng ở quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thông qua các chương trình này, các hoạt động giao dịch, kết nối cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng hóa, đặc sản, sản phẩm OCOP… được triển khai giữa các nhà sản xuất, cung ứng, doanh nghiệp phân phối. Cùng với đó, Sở Công Thương Hải Phòng hỗ trợ đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng của Hải Phòng và các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Kon Tum, Tây Ninh... vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và ngược lại… Qua đó, địa bàn Hải Phòng đã dần hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng, miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Thành phố Hải Phòng chú trọng, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” với bình quân 4 chuyến/tuần, trong đó 2 huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ được đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, 6 phiên chợ hàng Việt tại hai huyện đảo được thực hiện, thu hút đông đảo doanh nghiệp và người dân tham dự với doanh thu từ 1,5-2,5 tỷ đồng/phiên và hình thành được một mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” tại huyện đảo Cát Hải…

Bằng những hoạt động tích cực, ngành công thương Hải Phòng không chỉ làm tốt vai trò “cầu nối” trong kết nối, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng Việt Nam, hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo đề án của Chính phủ, mà còn góp phần đưa hoạt động thương mại của thành phố Cảng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 trên địa bàn Hải Phòng đạt hơn 198 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ năm trong cả nước về quy mô.

NGÔ QUANG DŨNG