Để bảo tàng đến gần hơn với công chúng
Xã hội - Ngày đăng : 20:53, 15/02/2024
Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn, TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đơn vị đã tiên phong trong thực hiện xã hội hóa, đổi mới hoạt động của bảo tàng đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.
Thưa ông, hệ thống bảo tàng có ý nghĩa như nào đối với việc bảo tồn giá trị văn hóa, cũng như giáo dục truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay?
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng, quan tâm và xác định di sản văn hóa là bản sắc của văn hóa dân tộc, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới - nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày 23/11/1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà dành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn nhưng súc tích, phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa. Với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận thấy cần thiết phải bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa. Bởi di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc, để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc dân tộc.
Những năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng và hệ thống bảo tàng nói chung đã và đang nỗ lực phát huy vai trò của mình, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, đặc biệt là thế hệ trẻ, hình thành nên nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có vị trí quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng là nơi học của con gái các quan chức Pháp trên toàn Đông Dương. Tòa nhà Bảo tàng đã được cải tạo thành một kiến trúc ấn tượng bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp cổ và kiến trúc dân gian Việt Nam. Tại đây, hơn 2.000 hiện vật (trong tổng số gần 20.000 hiện vật thuộc sưu tập của Bảo tàng) được giới thiệu trên hệ thống trưng bày thường xuyên, trong đó có 9 Bảo vật quốc gia.
Không chỉ là nơi để công chúng chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn là nơi học tập, nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và thẩm mỹ đối với công chúng, khách tham quan, đặc biệt là học sinh, giúp các em trang bị thêm kiến thức văn hóa, lịch sử thông qua mỹ thuật, nâng cao khiếu thẩm mỹ, rèn luyện kỹ năng thực tế, chuẩn bị hành trang tốt nhất cho các em, góp phần giới thiệu giá trị di sản văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trước sự xuất hiện của nhiều loại hình văn hóa ngoại nhập tác động mạnh đến thị hiếu của công chúng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có giải pháp như thế nào để thu hút công chúng đến với bảo tàng một cách rộng rãi hơn?
Thời gian qua, đứng trước thách thức phải đổi mới để phục vụ khách tham quan hiệu quả hơn, thu hút công chúng đến với Bảo tàng, chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng những sản phẩm công nghệ góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách.
Ngày 22/4/2021, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt phục vụ công chúng. Chỉ với chiếc điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối internet, khách tham quan có thể tự do khám phá các tác phẩm được trưng bày của Bảo tàng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Bộ Thông tin, Truyền thông trao tặng năm 2021
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh
Tiếp đó, Bảo tàng đã cho ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour; Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (gọi tắt là VAES). Gần đây, Bảo tàng ứng dụng hiệu quả các công nghệ 3D mapping hay các công nghệ về hình ảnh khác để các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng trở nên mới mẻ, hấp dẫn và thu hút các tầng lớp công chúng yêu nghệ thuật.
Cùng với đó, để thuận lợi cho du khách khi quan tâm đến bảo tàng, tháng 01/2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức đưa Hệ thống vé điện tử “trực tuyến - liên thông - đa phương thức vào phục vụ khách tham quan. Hệ thống vé điện tử mang lại tiện ích phục vụ khách tham quan, thuận lợi hơn cho hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời giúp Bảo tàng đánh giá được đặc điểm, hành vi, xu hướng của khách tham quan, từ đó có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của công chúng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Để phát triển bảo tàng đòi hỏi nguồn lực rất lớn, từ chi phí sưu tầm hiện vật đến công tác tổ chức... Trong bối cảnh ngân sách có hạn, vấn đề xã hội hóa hoạt động bảo tàng để thu hút nguồn lực đầu tư cần được nhìn nhận ra sao, thưa ông?
Những đổi mới trong hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa qua chính là thành quả của quá trình hợp tác công - tư giữa Bảo tàng với đơn vị tư nhân trong việc cùng tham gia phát triển bảo tàng, khai thác hiệu quả từ hoạt động văn hóa. Điều này cho thấy nhu cầu bức thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa, trọng tâm là hợp tác công - tư trong vấn đề này.
Trên thực tế, vấn đề đổi mới, vận dụng cơ chế để có thể thu hút các cá nhân, đơn vị phối hợp, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động của bảo tàng không phải chuyện một sớm một chiều, mà là sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động từ chính các cơ quan, cá nhân.
Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật nhằm tạo ra hành lang pháp lý giúp các đơn vị triển khai một cách hiệu quả và bền vững là yêu cầu cấp thiết hàng đầu.
Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định chỉ có 5 lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, trong đó không có lĩnh vực văn hóa. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học…, không có lĩnh vực văn hóa.
Do đó, Nhà nước cần có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công - tư và cơ chế khuyến khích cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cần có những quy định cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng, đồng thời với chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa...
Trân trọng cảm ơn ông!