Nhiều áp lực cho cân đối ngân sách nhà nước

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 20:45, 16/10/2018

(BKTO) - Thẩm tra báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016- 2018), Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương chưa có lộ trình cụ thể; ngân sách trung ương hụt thu; việc giữ và giảm bội chi theo mục tiêu đã đề ra… là những yếu tố tạo áp lực cho cân đối NSNN.


                
   

Toàn cảnh phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội- Ảnh:quochoi.vn

   

Tăng lương cần đặt trong tổng thể cân đối NSNN

Sáng 16/10, Báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016- 2018) là một trong nhiều nội dung đượcỦy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đánh giá, tổng thu NSNN 3 năm 2016- 2018 ước đạt 54,68% kế hoạch 5 năm (6.864 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, phần tăng thu chủ yếu là ngân sách địa phương, số thu từ sản xuất kinh doanh 2 năm liên tiếp không đạt dự toán (2017 và 2018) đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngân sách Trung ương theo kế hoạch và tạo áp lực lên mục tiêu giảm bội chi NSNN.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần phân tích, đánh giá nguyên nhân số thu nội địa tăng chậm, hụt dự toán trong những năm gần đây để có các giải pháp khắc phục hợp lý, đồng thời, để xây dựng dự toán thu NSNN các năm sau khả thi hơn.

Cũng theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2011- 2015 song việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới nên kết quả thu NSNN chưa được như mong muốn. Mặt khác, còn thể hiện công tác xây dựng và giao dự toán chưa chú trọng thực sự đến công tác phân tích, đánh giá và nhận định các yếu tố tác động. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần quan tâm, khắc phục những hạn chế đã và đang tồn tại trong nhiều năm, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo nguồn thu, để xây dựng dự toán thu chắc chắn, bảo đảm cân đối chung trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Về chi ngân sách 3 năm 2016- 2018, ước đạt 54,39% kế hoạch 5 năm (8,025 nghìn tỷ đồng). Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt mục tiêu 25-26%, tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, phải đi vay để cân đối nhưng việc xây dựng, phân bổ và giao dự toán một số năm gần đây nói chung, năm 2017 nói riêng chưa sát với yêu cầu thực tiễn, dẫn đến cuối năm dư kinh phí (chưa giao đầu năm) hoặc chưa phân bổ; việc trình phương án sử dụng số tiết kiệm chi chậm so với thời gian quy định, vướng mắc trong thực hiện một số khoản chi thường xuyên có tính chất xây dựng cơ bản, không giải ngân được và cũng không thể chuyển nguồn theo Luật NSNN 2015, làm lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, giao nhiều đợt, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 rất chậm. Cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN. Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ, nhiệm vụ chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh- xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư gắn với việc thực hiện cơ chế tự chủ trong lĩnh vực sự nghiệp công lập chậm triển khai, làm tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để, bảo đảm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại chi NSNN.

Đáng chú ý, theo cơ quan thẩm tra, việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/ năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong một tổng thể cân đối NSNN bền vững và chắc chắn.

Cùng với đó, để giữ được mức bội chi bình quân cả giai đoạn không quá 3,9%GDP và phấn đấu giảm mạnh để đến năm 2020 không quá 3,5%GDP là một thách thức cho cân đối ngân sách. Trong bối cảnh thu từ các khu vực quan trọng không đạt dự toán, nguồn thu chưa bền vững, một số nguy cơ rủi ro tài khóa có thể xảy ra trong quản lý vay và trả nợ công.

Tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn ODA

Trong quản lý và sử dụng vốn vay ODA, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra không ít hạn chế, như: việc đàm phán, ký kết trong một số trường hợp chưa gắn chặt chẽ với khả năng trả nợ; chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa cao; một số dự án phải tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian hoàn thành làm tăng nghĩa vụ trả nợ, gây lãng phí. Một số dự án trả nợ chậm tiến độ, có dự án không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách.

Ngoài ra, việc huy động nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có khả năng vượt mức trần theo Kế hoạch Đầu tư công trung hạn. Thực trạng này đòi hỏi việc sử dụng vốn ODA phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các nghị quyết và các văn bản pháp luật liên quan, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Kỷ luật, kỷ cương về quản lý kinh tế - tài chính một số nơi còn buông lỏng, việc áp dụng và thực thi pháp luật còn nhiều bấp cập; trong quản lý thu NSNN, thất thu ngân sách còn lớn và chưa có xu hướng giảm cũng là một trong những tồn tại, hạn chế được cơ quan thẩm tra chỉ ra.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt mục tiêu cụ thể, bảo đảm được tiến độ thu, tỷ lệ huy động vào ngân sách NSNN, thu từ thuế và phí đạt kế hoạch… Cơ cấu thu có thay đổi căn bản, thu nội địa đạt 82%; công tác quản lý thu có chuyển biến tốt, cơ cấu chi theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; cơ cấu nợ được cải thiện đáng kể, tăng kỳ hạn vay, bảo đảm rủi ro về lãi suất tỷ giá, thanh toán nợ.

Bên cạnh những kết quả trên, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra, đáng chú ý là tỷ lệ thu qua 3 năm mới đạt 53- 54%; thu của ngân sách Trung ương gặp khó khăn, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và không bảo đảm nguồn chi từ ngân sách Trung ương. Cơ cấu chi đầu tư công có nhiều tiến bộ, nhưng cơ cấu có mặt chưa hợp lý, phân bổ vốn còn dàn trải, giải ngân chậm, sự điều hòa giữa các nguồn vốn còn có sự lúng túng như ODA và trái phiếu chính phủ. UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục quản lý chặt chẽ bội chi và nợ công, tránh tình trạng bội chi ngân sách địa phương làm thay đổi trần nợ công và kế hoạch đặt ra cho 2 năm cuối.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về điều chỉnh kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
N. HỒNG