Cần hoàn thiện quy định về quản lý nợ thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 11:24, 08/02/2024
Tuy nhiên, số nợ thuế còn cao, công tác thu hồi nợ thuế đang gặp khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và thu từ bên thứ 3; các chế tài trong công tác thu hồi nợ thuế chưa đủ mạnh...
Đây là những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm giúp công tác quản lý nợ thuế đạt hiệu quả cao hơn.
Chế tài thu hồi nợ thuế chưa đủ mạnh
Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp làm số nợ thuế có xu hướng tăng lên qua các tháng, đã tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý, thu hồi nợ thuế.
Trong bối cảnh đó, ngành thuế đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho NNT được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ.
Đồng thời, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã cụ thể hoá nhiệm vụ cho từng tháng, quý, thực hiện kịp thời, tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc từng cán bộ, đảm bảo hoàn thành các chương trình, công việc được giao.
Tổng cục Thuế cũng đã đẩy mạnh công tác đôn đốc thu nợ; rà soát, phân tích, phân loại nợ, xác định rõ nguyên nhân từng khoản nợ để áp dụng biện pháp thu nợ.
Với doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng chây ỳ thì cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu nợ theo quy định.
Theo đó, kết quả công tác quản lý nợ đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Lũy kế đến 31/12/2023, toàn ngành thuế thực hiện thu hồi nợ đọng tại thời điểm 31/12/2022 ước đạt 41.557 tỷ đồng, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.605 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.952 tỷ đồng.
Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế nợ thuế tại các địa phương còn nhiều bất cập. Qua báo cáo của các cục thuế, khó khăn nhất hiện nay là việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và thu từ bên thứ ba. Đây cũng là nội dung tất cả các cục thuế đều mong muốn hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng và thiếu.
Bên cạnh đó, việc quản lý đối với NNT bỏ địa chỉ kinh doanh còn nhiều hạn chế do chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ các ngành chức năng liên quan; các chế tài trong công tác thu hồi nợ thuế còn chưa đủ mạnh dẫn đến công tác cưỡng chế, thu hồi nợ thuế chưa hiệu quả.
Hoàn thiện quy định, phối hợp với các cơ quan để thu hồi nợ thuế
Năm 2024, dự báo nền kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp có thể rời bỏ thị trường, mất khả năng thanh toán khiến công tác cưỡng chế nợ thuế sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đề nghị Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chỉ đạo các cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản chính sách pháp luật đến người nộp thuế cũng như các biện pháp cưỡng chế để nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế; thực hiện công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các Bộ, ngành liên quan như: cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án, quản lý thị trường, kế hoạch - đầu tư, tài nguyên và môi trường... trong việc thu hồi nợ thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Cùng với đó, rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý chây ỳ nợ thuế sang cơ quan công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế.
Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các cục thuế báo cáo tình hình cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại các cơ quan thuế để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh yêu cầu Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ trì tổng hợp các kiến nghị, đặc biệt là những nội dung liên quan đến chức năng điều tra, kê biên tài sản… để sớm trình Tổng cục trình Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong thời gian tới.
Đối với những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung tại Luật Quản lý thuế, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cần đánh giá toàn diện để đề xuất thực hiện sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp tình hình thực tế./.