Bà Rịa -Vũng Tàu giải ngân vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu năm

Kinh tế - Ngày đăng : 15:34, 20/02/2024

(BKTO) - Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 17.722 tỷ đồng trong đó, nguồn ngân sách tỉnh là hơn 16.462 tỷ đồng; Trung ương phân bổ khoảng 1.260 tỷ đồng.
cao-toc-bien-hoa.jpeg
Năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. Ảnh: ST

Để giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc điều hành đầu tư công năm 2024.

Tại Chỉ thị, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao theo từng tháng, nhất là danh mục các dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn; trong đó nêu rõ tiến độ công việc, lũy kế giải ngân hằng tháng và bảo đảm khởi công các dự án trong danh mục khởi công mới trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đồng thời, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, đôn đốc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trong phạm vi thẩm quyền, chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu… nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

Đặc biệt, đối với 48 dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn hết năm 2024, 2025, Chỉ thị yêu cầu, ngoài việc xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao theo từng tháng, chủ đầu tư phải xây dựng thêm tiến độ theo 4 mốc thời điểm hoàn thành các công tác trong quá trình triển khai dự án gồm: Thời điểm hoàn thành thủ tục đầu tư (điều chỉnh chủ trương, dự án đầu tư); thời điểm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thời điểm hoàn thành thi công, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng; thời điểm hoàn thành quyết toán dự án.

Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư quyết liệt thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn (không phân biệt đơn vị làm chủ đầu tư). Đối với các dự án theo tuyến như đường giao thông, kênh mương, đường ống cấp thoát nước… phải bảo đảm thực hiện giải phóng mặt bằng dứt điểm trong phạm vi gói thầu để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây lắp.

Ngoài ra, các chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp của dự án khi đã có đủ mặt bằng để triển khai thi công theo tiến độ được duyệt. Các địa phương tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện./.

Năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm được tỉnh thực hiện hiệu quả, điển hình là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dự án thành phần 3 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

MINH ANH