Sửa Luật Bảo hiểm y tế: Lấy người bệnh làm trung tâm và ưu tiên hàng đầu
Xã hội - Ngày đăng : 11:32, 21/02/2024
Nguồn tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe nhân dân
Luật BHYT số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật BHYT số 46/2014/QH13 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, chính sách BHYT đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong việc lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, tạo nguồn tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, tiếp cận tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2009 tỷ lệ bao phủ đạt 58% dân số thì tới năm 2023, tỷ lệ bao phủ đã đạt 93,35% dân số, tương ứng với 93,307 triệu người tham gia BHYT. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng thuận lợi.
Cùng với đó, danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT.
Quỹ BHYT đã đảm bảo chi trả được hầu hết các bệnh lý và có nhiều thuốc mới, chi phí cao, với số tiền chi trả BHYT lên tới gần 4 tỷ đồng/bệnh nhân. Quyền lợi của các nhóm đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo luôn được quan tâm bảo đảm.
Đến hết năm 2023, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 12.835 cơ sở, gồm 1.768 cơ sở công lập và 1.067 cơ sở ngoài công lập, trong đó bao gồm hơn 10.000 trạm y tế xã tham gia KCB BHYT. Số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh qua từng năm. Năm 2023 có 174,8 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các quy định về thông tuyến KCB BHYT đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ KCB của người tham gia BHYT, đồng thời đã tạo động lực cho các cơ sở KCB thuộc tất cả các tuyến nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ. Hệ thống cơ sở KCB BHYT ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu KCB BHYT của nhân dân.
Tháo gỡ bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra, đến nay, một số quy định của Luật BHYT đã không còn phù hợp với những vấn đề mới phát sinh trong trong thực tiễn triển khai. Đặc biệt, những thay đổi trong các quy định về khám bệnh, chữa bệnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đòi hỏi cần phải tổng kết, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để phù hợp với các quy định mới của hệ thống pháp luật và thực tiễn.
Tại Hội nghị Tổng kết Luật BHYT giai đoạn 2009-2023, do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự cân bằng, đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Trong một bộ phận người dân chưa tham gia BHYT, có cả đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Cùng với đó, tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm tự nguyện đóng BHYT chưa thực sự bền vững; chất lượng KCB BHYT, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn một số hạn chế...
Nhấn mạnh việc cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra, bên cạnh những khó khăn trong mở rộng đối tượng tham gia BHYT, vật tư y tế, thuốc để điều trị cho người có thẻ BHYT cũng chưa đảm bảo yêu cầu đề ra; đặc biệt trong thời gian vừa qua tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn, nhất là những người nghèo, người khó khăn.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) cũng cho rằng, Luật BHYT cần sửa đổi để thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết, sớm khắc phục những bất cập đặt ra như phạm vi, quyền lợi, mức hưởng BHYT, đồng thời, cụ thể hóa nhiều nhiệm vụ từ nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương để tiến tới BHYT toàn dân; giải quyết các bất cập trong mối liên hệ giữa y tế cơ sở và cơ quan bảo hiểm xã hội…
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, để tiếp tục thực hiện tốt Luật BHYT với chặng đường cuối của lộ trình BHYT toàn dân, cần triển khai hiệu quả hơn Luật BHYT đảm bảo 3 nguyên tắc: cam kết tài chính từ phía Chính phủ hỗ trợ nhóm đối tượng chính sách tham gia BHYT; sự đồng thuận của cộng đồng và phát huy kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự hài hòa mối quan hệ nhu cầu và lợi ích của cả ba bên: cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi và người hưởng thụ chính sách.
Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT; tăng cường đổi mới phương thức thanh toán; thực hiện chặt chẽ, hiệu quả quy trình giám định BHYT nhằm đảm bảo Quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả cũng như đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân khi tham gia KCB BHYT.
Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: "Chúng ta làm gì cũng phải đặc biệt lưu ý lấy người bệnh nói chung, người bệnh tham gia BHYT làm trung tâm và là ưu tiên hàng đầu". Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện Dự án Luật BHYT trình Quốc hội xem xét.