Đầu tư công năm 2024: Tránh dàn trải để tăng hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 14:19, 21/02/2024
5 bài học kinh nghiệm
Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch, số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Bên cạnh những kết quả được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ giải ngân vốn đầu tư công 2023, đó là:
Sự điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương, địa phương là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Tiếp đó là việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…
Bên cạnh đó, chúng ta đã thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Duy trì, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công.
Cuối cùng, tăng cường, đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, đôn đốc và tăng cường phối hợp; kiểm tra, thanh tra công vụ gắn với đánh giá, xếp loại cuối năm.
Giải pháp thúc đẩy đầu tư công năm 2024
Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, cần tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần có giải pháp tổng thể. Yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Thực tế cho thấy, trong cùng một thể chế, chính sách pháp luật, có những bộ, ngành và địa phương giải ngân tốt, đó chính là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu.
Trong đó, giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong thời gian qua (trong đó lưu ý những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi) nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2024, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
“Đề nghị các đại biểu Quốc hội nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, đến tổ chức thi công... trong vấn đề giải ngân đầu tư công của địa phương” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo PGS.TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), năm 2023 là tiền đề, là kinh nghiệm quý báu để thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Năm 2023, đã quyết liệt, sâu sát, tăng tốc giải ngân từ những tháng đầu, quý đầu của năm. Do đó giải ngân vốn đầu tư công 2023 đã hoàn thành mục tiêu đề ra như mong muốn.
“Bài học quý báu chính là về tổ chức thực hiện cũng như sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương cùng với nhu cầu khác nhau để có thể đạt được kết quả giải ngân cao nhất, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu đề ra” - ông Thịnh nói và chia sẻ thêm, trong năm 2024, lượng đầu tư công vẫn rất lớn, mặc dù không bằng năm 2023 nhưng cũng xuất hiện nhiều vấn đề như giá nguyên vật liệu gia tăng, một số nguồn vật tư khan hiếm… do đó phải có những giải pháp thích hợp mới đưa được hoạt động giải ngân đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chính quyền địa phương phải kết hợp với các bộ, ngành theo dõi một cách thường xuyên, chặt chẽ diễn biến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn để sử dụng và điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng chiến lược đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Tránh đầu tư dàn trải, đẩy nhanh tiến độ dự án, khẩn trương đưa công trình vào sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.