Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh doanh nghiệp đầu năm 2024

Kinh tế - Ngày đăng : 05:55, 22/02/2024

(BKTO) - Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, bức tranh doanh nghiệp (DN) trong tháng đầu tiên của năm 2024 đan xen nhiều gam màu “sáng, tối”, trong đó đáng chú ý là số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng khá cao. Điều đó đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ phục hồi “sức khỏe” cho cộng đồng DN.
1.jpg
Hoạt động của DN kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy bức tranh DN tháng đầu năm 2024 có những điểm sáng. Thứ nhất, số lượng DN thành lập mới đạt 13.536 DN, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là số DN gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây, gấp 1,3 lần so với bình quân DN thành lập mới trong tháng 1 giai đoạn 2018-2023 (10.522 DN). Điểm sáng thứ hai là quy mô vốn đăng ký bình quân của DN tiếp tục giữ đà phục hồi từ tháng 11/2023, đạt 11,2 tỷ đồng/DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế của DN thành lập mới là 151.451 tỷ đồng, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 01/2024 lên tới 43.925 DN, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức cao nhất trong tháng đầu tiên của năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Tính cả các DN chờ làm thủ tục giải thể, giải thể thì trong tháng 01/2024 có 53.888 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, nếu so với số DN thành lập mới thì số DN rút lui khỏi thị trường trong tháng đầu năm cao gấp hơn 3 lần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một lượng lớn DN rút lui khỏi thị trường trong tháng đầu năm thường mang tính mùa vụ. Thời điểm tháng 1 hằng năm, các DN có quy mô nhỏ với mức vốn dưới 10 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thường có xu hướng rút lui khỏi thị trường. Các DN này sẽ dừng hoạt động để chuyển đổi sang ngành nghề khác cho phù hợp với tính mùa vụ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được nhận định vẫn là do bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp, số lượng đơn hàng sụt giảm. Ở trong nước, DN cũng gặp nhiều khó khăn khi sức cầu tiêu dùng yếu, chưa thực sự phục hồi.

Báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cũng cho thấy các DN vẫn lo ngại về những khó khăn dự kiến có thể phải đối mặt trong năm 2024. Cụ thể, trong tổng số 2.734 DN tham gia khảo sát, đánh giá về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong số các DN dự kiến còn hoạt động năm 2024, có 58,9% DN có thể giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 16,6% DN giảm trên 50%; có 60,2% DN dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17,3%.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi “sức khỏe”

Theo các chuyên gia, “bức tranh” DN trong tháng đầu năm phần nào cho thấy các chính sách của Chính phủ giúp DN khơi thông nguồn vốn từ nửa cuối năm 2023 tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng niềm tin cho DN khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh. Nhưng mặt khác cũng cho thấy những khó khăn của nền kinh tế đã “ngấm” vào khu vực DN. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ phục hồi “sức khỏe” cho cộng đồng DN.

Đưa khuyến nghị cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó trọng tâm là tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giảm rủi ro cho hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần có thêm nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cũng như lợi thế từ việc Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn (gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản) để có thể giữ vững và mở rộng thị phần ở các thị trường. Đồng thời, tăng cường cập nhật những thông tin mới nhất về các tiêu chuẩn, quy định mới của các thị trường trên thế giới, để thông tin, phổ biến đến DN, ngành hàng, nhằm giúp các DN chủ động tìm giải pháp thích ứng, từ đó đáp ứng được yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Liên quan đến giải pháp hỗ trợ DN, Ban IV cho rằng, DN kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của DN sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức DN hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế. Do đó, Ban IV kiến nghị Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách tài khoá nhằm hỗ trợ cho các DN trong giai đoạn này; đồng thời cần xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất, “tiếp sức” cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan chức năng, về phía DN, các chuyên gia cho rằng, các DN cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo, nắm bắt thời cơ; đồng thời, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực quản trị DN… để có thể trụ vững trên thị trường và phát triển bền vững./.

THIỆN TRẦN