Tín dụng sụt giảm, ngân hàng gấp rút tìm cách đẩy mạnh cho vay
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 07:33, 22/02/2024
Tín dụng sụt giảm do nhiều nguyên nhân
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương xây dựng Chỉ thị số 01, 02/CT-NHNN, Chương trình hành động số 83/QĐ-NHNN để triển khai Nghị quyết, Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024, trong đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trong đó, NHNN rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD; xem xét sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách...
Năm 2024, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Ngày 07/02/2024, NHNN tiếp tục ban hành Công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm.
Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
NHNN cũng tích cực triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ và tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Về phía các ngân hàng thương mại, đầu năm 2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1% dưới sàn lãi suất cho vay; triển khai gói tín dụng 60 nghìn tỷ đồng với nhóm khách hàng cá nhân.
Hay ngay trong tháng 02/2024, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) đưa ra gói tín dụng ưu đãi dành cho nhóm khách hàng xuất nhập khẩu với mức lãi suất vay VNĐ chỉ từ 6%, vay USD chỉ từ 4% với đa dạng kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng; đồng thời tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và phân khúc khách hàng bán lẻ.
Mặc dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tín dụng tháng đầu năm tại nhiều nhà băng đều sụt giảm tới 2-3%. Tính tới cuối tháng 01/2024, tín dụng toàn nền kinh tế sụt giảm 0,6%.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh tú, tín dụng vẫn gặp khó khăn và giảm so với cuối năm 2023 do: Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng DN nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến tín dụng trong tháng đầu năm 2024 giảm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế dự kiến đánh giá còn chậm và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm, hoạt động của DN còn nhiều khó khăn.
Đồng hành khơi thông tín dụng
Để thúc đẩy tín dụng, đại diện cho BIDV, ông Trần Long đề nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu mức cho vay tăng, mức cho vay bằng các phương tiện điện tử đối với các khoản có rủi ro thấp; đặc biệt xem xét lại kéo dài thời hạn của Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.
Liên quan đến Thông tư 02, ông Hồ Tiến Nam - Tổng Giám đốc LPBank - đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư thêm 12 tháng đến ngày 30/6/2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02 nhưng gia hạn bao lâu thì cần được xem xét kỹ. Ông Tú cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024.
Đồng thời, để đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, DN, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Đồng thời, các TCTD tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân.
Bên cạnh sự nỗ lực từ ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, cơ quan, địa phương như: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa...
Để tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Đỗ Thanh Sơn kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các DN; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.