Slovakia: Công ty Quản lý nước quốc gia “bỏ ngỏ” nhiều nhiệm vụ quan trọng

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 20:14, 22/02/2024

(BKTO) - Nhiều công trình thủy lợi ở Slovakia đang xuống cấp nghiêm trọng, gây ra nhiều nguy cơ, rủi ro. Tuy nhiên, Công ty Quản lý nước quốc gia Slovakia (SWME) chưa có những hành động kịp thời để khắc phục tình hình.
9.jpg
Nhiều công trình thủy lợi cần được bảo dưỡng, xây mới. Ảnh: ST

Hoạt động trì trệ do thiếu kinh phí

Đó là phát hiện của Kiểm toán nhà nước Slovakia (SAO) được đề cập trong một báo cáo kiểm toán vừa được công bố. SWME được coi là doanh nghiệp chiến lược của nhà nước, có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chất lượng, số lượng nước mặt và nước ngầm, đảm bảo dòng chảy của sông, phòng chống lũ lụt, bảo vệ người dân trước thiên tai. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Công ty phải vật lộn để duy trì hoạt động và đã để xảy ra nhiều thiếu sót.

SAO cho biết, các công trình thủy lợi ở Slovakia đang ngày càng xuống cấp; con người và tài sản không được bảo vệ đầy đủ trước các trận lũ lụt đang gia tăng. Thông qua các cuộc kiểm toán được thực hiện trong các năm trước đây, SAO đã chỉ trích SWME không đảm bảo các biện pháp hiệu quả đối phó với rủi ro.

Trước tình trạng những hạn chế chưa được giải quyết sau nhiều năm, vừa qua, các kiểm toán viên nhà nước đã thực hiện một cuộc kiểm toán khác nhằm tập trung xem xét tác động của những rủi ro này ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

SAO chỉ ra thực tế rằng, doanh nghiệp này đã bị thua lỗ trong một thời gian dài, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là việc đảm bảo lợi ích công.

Ban lãnh đạo SWME cho biết, từ năm 2010 đến năm 2022, nhà nước đã không giải ngân hơn 334 triệu euro cho SWME và sự chậm trễ này vẫn diễn ra đến nay. Trong năm 2022, khoản nợ đạt con số kỷ lục là 33,1 triệu euro. Đặc biệt, trong các năm 2021 và năm 2022, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho SWME giảm đáng kể so với các năm trước. Do đó, hầu hết mọi hoạt động của Công ty đều trì trệ.

Kiểm toán viên chỉ ra rằng, việc doanh nghiệp không đủ tài chính hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến công tác sửa chữa và bảo trì tài sản lĩnh vực quản lý nước, dẫn đến tình trạng các công trình thủy lợi xuống cấp nhanh chóng. Hiện, có ít nhất 24 công trình không được bảo trì, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn, trái với các quy định trong Đạo luật quản lý tài nguyên nước quốc gia.

Thông qua các nhà máy nước sạch, SWME vận hành 311 hồ chứa nước và 73 trạm bơm. Hầu hết các công trình thủy lợi đã hoạt động được hơn 40 đến 60 năm. Nhiều công trình đã xuống cấp, cần được xây dựng lại và hiện đại hóa do đã lỗi thời sau nhiều năm hoạt động.

Các nhiệm vụ trọng yếu khó được hoàn thành

Các nhiệm vụ hàng đầu của SWME được cho là có đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ thiên nhiên và con người trước thiên tai khắc nghiệt. Tuy nhiên, ông Ľubomír Andrassy - Chủ tịch SAO - cho biết: “Tình hình tài chính của Công ty rất tồi tệ. Từ năm 2010 đến nay, SWME không có đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Hiện đại hóa các hồ chứa nước, sửa chữa, bảo trì các công trình thủy lợi, thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt để bảo vệ người và tài sản…”.

Ngoài ra, SAO cảnh báo các nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy và tình trạng lũ lụt. Tình trạng biến đổi khí hậu gây ra các đợt hạn hán, các trận mưa lớn, tạo ra sự xói mòn và nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Các công trình thủy lợi ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro vì đã hoạt động nhiều năm; rủi ro chỉ có thể được hạn chế bằng cách sửa chữa các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, kinh phí đang là “bài toán khó” của SWME.

Ban lãnh đạo SWME giải trình một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồi tệ trên là do cơ quan không nhận được nguồn kinh phí đầy đủ từ ngân sách nhà nước, các nguồn thu không ổn định và không có kế hoạch rõ ràng.  

Ông Ľ. Andrassy nhấn mạnh: “Nếu SWME không đảm bảo được nguồn kinh phí hoạt động, Công ty sẽ không thể thực hiện việc các sửa chữa cần thiết đối với các công trình cấp nước hiện đang ở tình trạng xuống cấp, không thể thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Đồng thời, Slovakia có thể phải đối mặt với các vụ kiện và lệnh trừng phạt từ Ủy ban châu Âu vì mỗi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm của các thành viên Liên minh châu Âu”.

Slovakia được Liên minh châu Âu hỗ trợ khoản đóng góp tài chính không hoàn lại để thực hiện Dự án “Đánh giá và quản lý rủi ro lũ lụt” với tổng số tiền gần 11,9 triệu euro. Cuộc kiểm toán đã chỉ ra một số vấn đề không chuẩn mực trong hoạt động của SWME. SAO xác định Công ty có nguy cơ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong việc quản lý tài sản. SAO cảnh báo, nếu không đáp ứng được thời hạn thực hiện Dự án, Slovakia có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Cơ quan kiểm toán đã chuyển những phát hiện trên cho cơ quan công an và Hiệp hội Luật sư Slovakia. Ngoài việc trình kết quả kiểm toán lên Ủy ban Nông nghiệp và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài chính và Bộ Môi trường, SAO cũng trình báo cáo lên Chính phủ./.

(Theo nku.gov.sk và tổng hợp)

YẾN NHI