Lan tỏa cách làm hay, gương điển hình về học tập suốt đời trong Kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:45, 23/02/2024
Đây là một trong những nội dung trọng tâm được nêu trong Kế hoạch phát động Phong trào “KTNN thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” (gọi tắt là Phong trào thi đua) được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành mới đây.
Theo đó, toàn Ngành xác định đây là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, thường xuyên, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong toàn Ngành, tạo động lực và sức lan tỏa, thúc đẩy từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN thi đua học tập góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "nhà học tập, ngành học tập, cả nước học tập".
Phong trào thi đua được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, chia thành 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ 2023 - 2025): Ban hành Kế hoạch phát động triển khai thực hiện, hướng dẫn khen thưởng trong Quý I năm 2024. Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong năm 2025 để triển khai giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030): Trên cơ sở sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Giai đoạn 1, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của Phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030 trên cơ sở Kế hoạch của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Triển khai Phong trào thi đua, KTNN sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, KTNN học tập và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong toàn Ngành và từng đơn vị, trong đó Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng số vào phương pháp giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN học tập mọi lúc, mọi nơi.
Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, học tập suốt đời; thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ hiện đại, năng lực sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN trong các hoạt động học tập, đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi nhằm trau dồi đạo đức công vụ và bản lĩnh nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp và tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của toàn Ngành trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và hoạt động tự đào tạo của các đơn vị trực thuộc KTNN, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN học tập suốt đời.
Xây dựng mô hình Kiểm toán viên nhà nước học tập, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN học tập; xây dựng văn hóa học tập trong toàn Ngành.
Kế hoạch cũng nêu rõ: Việc đánh giá kết quả Phong trào thi đua phải gắn với chất lượng, hiệu quả học tập, đào tạo, bồi dưỡng với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” của từng đơn vị và toàn Ngành nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm toán viên nhà nước “vừa hồng, vừa chuyên” vì mục tiêu nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện lồng ghép các danh hiệu thi đua về xây dựng xã hội học tập, KTNN học tập với các phong trào thi đua “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”, “Cuộc kiểm toán xuất sắc ”, đặc biệt là Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức KTNN thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 do Tổng Kiểm toán nhà nước phát động.
Triển khai sâu rộng Phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả, thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để đảm bảo hiệu quả của Phong trào thi đua, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào thi đua; định kỳ sơ kết, tổng kết Phong trào thi đua để kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, phát huy và chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm hay, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo trong xây dựng xã hội học tập, KTNN học tập.