Phát triển năng lượng hydrogen là xu hướng tất yếu của thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 16:47, 23/02/2024

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam.

Mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam

Chiến lược năng lượng hydrogen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024. Chiến lược này đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.

hydro-2.jpg
Việt Nam đang hướng tới phát triển năng lượng hydro xanh. Ảnh minh họa 

Mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chiến lược năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.

Tại Hội nghị triển khai Chiến lược năng lượng Hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/2, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương cho biết: Chiến lược cũng đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cụ thể, về sản xuất năng lượng hydrogen, Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2030 triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.

Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 100-500 nghìn tấn/năm vào năm 2030.

Định hướng đến năm 2050, tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất năng lượng hydrogen xanh và các công nghệ sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn nhiên liệu khác có sử dụng CCS/CCUS tại Việt Nam.

Phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 10-20 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Định hướng phát triển lĩnh vực hydrogen cũng đã được nhấn mạnh trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điện VIII, đủ để cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực này đối với định hướng phát triển năng lượng của Việt Nam.

Khung pháp lý về phát triển nhiên liệu hydro xanh còn nhiều bất cập

Nhận định về thực tế công tác phát triển nhiên liệu hydro xanh tại địa phương, ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Giám đốc Sở Công thương Bến Tre cho biết: Tại Bến Tre có một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư song khung pháp lý và nghiên cứu phát triển nhiên liệu hydro xanh vẫn còn nhiều bất cập. Các dự án sản xuất hydro chưa thể triển khai do các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể. Đơn cử, để sản xuất hydro xanh cần nguồn năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời, trong khi điện gió đã đóng khung trong quy hoạch điện VIII, còn điện tự sản, tự tiêu ở quy mô lớn vẫn chưa có cơ chế cụ thể… Việc đặt mục tiêu đến 2030 sản xuất từ 100.000 - 500.000 tấn hydro là khó khả thi nếu các quy định chưa được sớm ban hành.

hydro-1.jpg
Toàn cảnh hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/2. Ảnh: Bộ Công Thương  

Chính vì thế, ông Nguyễn Văn Niệm kiến nghị cho triển khai thí điểm một vài dự án có quy mô vừa phải ở một số vùng tiềm năng mà không phải chờ các quy định cụ thể nhằm từng bước phát triển thị trường năng lượng hydro phù hợp và đồng bộ về quá trình sử dụng năng lượng đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như sản xuất điện, giao thông, công nghiệp… Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế từ các dự án này, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian sau sẽ phát triển trên quy mô lớn hơn, khi các chính sách đã tương đối đầy đủ và có nhiều công nghệ hoàn thiện.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn The Green Solutions, chủ đầu tư dự án hydrogen xanh đầu tiên tại Trà Vinh có quy mô vốn 1,4 tỷ USD cho biết, thách thức lớn nhất trong phát triển các dự án hydrogen là hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, đầu tư nguồn nhân lực và công nghệ cao.

Thêm nữa, bà Quyên cũng cho rằng sản xuất hydrogen xanh có giá thành cao, nên cần sự đồng hành của chính sách để giảm giá thành để từ đó lan tỏa, chuyển thành công nghệ bền vững.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, ngành điện của Việt Nam là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính. Do đó, việc chuyển đổi nguyên liệu hoá thạch sang sử dụng hydro và năng lượng có nguồn gốc hydro là hết sức cần thiết.

Trong Quyết định 500 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII đã đặt ra lộ trình chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac xanh, lộ trình chuyển đổi nhà máy sử dụng khí LNG sang hydrogen. Ông Dũng cho rằng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần có nghiên cứu sử dụng bước trộn các nhiên liệu như than với amoniac, khí hóa lỏng với hydro để sau đó triển khai từ giai đoạn 2030-2050.

Đối với nhà máy điện than, cần từng bước chuyển đổi các nhà máy điện đã có thời gian vận hành 20 năm theo tỷ lệ tăng dần để đến năm 2050 hoàn toàn không sử dụng than cho phát điện nữa mà chuyển sang sử dụng amoniac hoặc sinh khối.

Với các dự án tuabin khí hiện đang sử dụng khí LNG nhập khẩu thì cũng cần có bước thử nghiệm để chuyển đổi thành công sang hydrogen.

Ông Dũng cũng nhận định, khó khăn lớn nhất hiện nay là công nghệ chuyển đổi đối với các nhà máy sử dụng than và khí sang amoniac và hydro vì công nghệ này vẫn chưa được thương mại hóa. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất amoniac và hydro vẫn còn khá cao nên lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cần phù hợp với mức độ thương mại hóa của công nghệ và giá thành nhiên liệu.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, năm 2023 EVN đã chủ động giao tư vấn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về tổng quan thị trường hydro và dự báo phát triển thị trường hydro trên thế giới là cơ sở để tập đoàn xây dựng các bước tiếp theo.

Hiện EVN đang triển khai xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi năng lượng tại tập đoàn, trong đó có chuyển đổi các nhà máy truyền thống để chuyển sang phối trộn hydro. Dự kiến, trong quý II, III của năm 2024 này sẽ hoàn thiện lộ trình để chuyển đổi các nhà máy điện cũ theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Ông Ngô Sơn Hải cũng nêu kiến nghị, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện hydro, đảm bảo cạnh tranh với các lĩnh vực khác trong hệ thống. Hơn nữa, đây là lĩnh vực mới, cần phải xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro nhằm đảm bảo an toàn trong thời gian tới.

Để triển khai có hiệu quả Chiến lược năng lượng hydrogen trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen được phê duyệt là sự kiện rất quan trọng, nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu. Để thực hiện thành công Chiến lược này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng mới này. Đồng thời, lưu ý cần có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để tiếp cận công nghệ, hợp tác trong việc sản xuất để bảo đảm rằng giá thành sản xuất nhiên liệu hydrogen ở mức hợp lý.

Đặc biệt, cần nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng carbon phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen và triển khai có hiệu quả các chương trình chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính theo các chương trình hợp tác quốc tế.

“Cần có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để chúng ta có thể tiếp cận công nghệ, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, cũng như hợp tác trong việc sản xuất để bảo đảm rằng giá thành sản xuất nhiên liệu hydrogen ở mức hợp lý, kể cả phục vụ nhu cầu trong nước cũng như phục vụ nhu cầu xuất khẩu" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay. 

hydro-3.jpg

Cùng với đó, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành năng lượng và các hiệp hội ngành nghề chủ động nghiên cứu, đề xuất và tích cực tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển năng lượng hydrogen.

Việc phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị sớm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể là thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Lê Minh