Cho vay bất động sản có xu hướng tăng nhưng vẫn còn vướng mắc

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:10, 26/02/2024

(BKTO) - Cho vay lĩnh vực bất động sản (BĐS) có xu hướng tăng. Tuy vậy, lĩnh vực cho vay này vẫn còn những vướng mắc, khó khăn cần được các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ.
cho-vay-bat-dong-san.jpg
Tỷ trọng cho vay BĐS tại một số ngân hàng có xu hướng gia tăng. Ảnh ST

Gia tăng tỷ trọng cho vay bất động sản

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hết năm 2023, dư nợ đối với lĩnh vực BĐS đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng cho vay kinh doanh BĐS đạt mức tăng 22%, chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực BĐS.

Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - ông Phạm Toàn Vượng - cho biết: Triển khai gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Agribank đã phê duyệt được 45 dự án, cam kết cho vay 2.100 tỷ đồng, dư nợ giải ngân 200 tỷ đồng.

Về cho vay BĐS, hiện tại, Agribank đang cho vay hơn 200.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ kinh doanh BĐS hơn 20.000 tỷ, dư nợ liên quan đến BĐS 185.000 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đối với lĩnh vực BĐS, dư nợ của BIDV chiếm khoảng 19%, chủ yếu tập trung vào tín dụng tiêu dùng và BĐS, chiếm 77%. Dư nợ cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS chiếm khoảng 22% trong tổng số dư nợ lĩnh vực BĐS, chủ yếu tập trung cho vay các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đô thị.

Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân, theo báo cáo tài chính quý IV/2023 của các nhà băng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh BĐS trên tổng dư nợ lớn nhất, với 35,22% tại thời điểm 31/12/2023, trong khi cùng kỳ năm trước là 26,44%.

Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với tỷ trọng cho vay BĐS là 19%, trong khi cuối năm 2022 là 14,39%. Còn tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), cho vay kinh doanh BĐS đạt mức 18%, tương ứng hơn 58.484 tỷ đồng, tăng gần 2,8 lần so với đầu năm.

Một số ngân hàng cũng tăng mạnh tỷ lệ cho vay BĐS như Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng từ 8,33% lên 15,45%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng từ 4,91% lên 7,49%; Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) tăng nhẹ từ 8,75% lên 8,96% tổng dư nợ; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tăng từ 6,31% lên 7,12%.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, so với cho vay tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh, cho vay BĐS dù sao vẫn có tài sản đảm bảo, có giấy tờ pháp lý rõ ràng. Ngay cả khi khủng hoảng, ngân hàng cũng không lo "mất trắng" vì tài sản đảm bảo là BĐS vẫn còn đó.

Tiếp tục gỡ vướng, tạo thuận lợi cho dự án đủ điều kiện

Mặc dù cho vay BĐS có xu hướng tăng nhưng theo phản ánh của các ngân hàng, cho vay đối với lĩnh vực này vẫn còn những vướng mắc. Ông Phạm Toàn Vượng phản ánh, hiện nay, đối với dự án mới và dự án đang đầu tư, việc tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật đất đai, nhà ở… của chính quyền địa phương còn rất chậm, nhiều dự án tồn đọng đến 1-2 năm.

Do đó, ông Vượng cho rằng NHNN cũng cần có ý kiến với các bộ, ngành để thống kê lại và sớm có giải pháp tháo gỡ. Về phía ngân hàng, “chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các hiệp hội, các tổ chức tín dụng hay các doanh nghiệp để trực tiếp tìm ra khó khăn vướng mắc” - ông Vượng cho biết.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB - cũng đề nghị NHNN phối hợp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS để vay tiêu dùng BĐS năm 2024 không bị ảnh hưởng.

Để tháo gỡ vướng mắc trong cho vay BĐS, một số doanh nghiệp BĐS mong muốn các điều kiện cấp tín dụng sẽ thông thoáng hơn. Theo đó, ngân hàng cần đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp tín dụng xuống dưới 1 tháng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian cơ cấu khoản vay; tiếp tục cho phép dùng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn thay vì rút xuống 30%; kéo dài thời gian cho vay đối với các ngành liên quan trực tiếp tới BĐS.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị: “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024” mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại các dự án BĐS để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án BĐS đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở.

Đặc biệt, NHNN sẽ chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai./.

Thành Đức