Cơ quan giám sát chống rửa tiền toàn cầu điều chỉnh "danh sách xám"
Tài chính - Ngày đăng : 21:23, 26/02/2024
Các quốc gia trong danh sách có "những thiếu sót chiến lược" trong nỗ lực chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, nhưng đang hợp tác với FATF để khắc phục vấn đề và chịu sự giám sát tăng cường.
Người đứng đầu FATF Raja Kumar cho biết Kenya và Namibia có những thiếu sót trong hệ thống chống rửa tiền và các kế hoạch hành động đã được phát triển để khắc phục những khiếm khuyết đó.
Tổng cộng có 21 quốc gia/vùng lãnh thổ nằm trong danh sách xám. Ngoài UAE, Barbados, Gibraltar và Uganda cũng đã được đưa khỏi danh sách này.
Ông Kumar cho biết tất cả những nước/vùng lãnh thổ này đều đã thực hiện các bước đáng kể để cải thiện hệ thống an toàn chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML-CFT) và giải quyết tất cả các mục trong kế hoạch hành động của mình.
Theo thông tin chính thức, Ngoại trưởng UAE, Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan, đã hoan nghênh quyết định của FATF và đã phát biểu rằng những thay đổi này sẽ "củng cố vị thế dẫn đầu và khả năng cạnh tranh của UAE, đồng thời nâng cao vị thế của nước này trên toàn cầu như một trung tâm kinh tế, thương mại và đầu tư".
Trong những năm gần đây, UAE đã tích cực tận dụng vị trí chiến lược tại vùng Vịnh để phát triển thành một trung tâm tài chính, thương mại và du lịch nối liền châu Á và châu Âu.
Hơn 200 quốc gia và khu vực pháp lý đã cam kết tuân thủ các khuyến nghị của FATF. Cơ quan này cũng duy trì một "danh sách đen" gồm các quốc gia được xem là khu vực pháp lý có rủi ro cao.
FATF là cơ quan liên chính phủ được thành lập vào tháng 7/1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris. Cơ quan này cũng được biết đến là lực lượng quốc tế quan trọng nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Chức năng chính của FATF là đưa ra các tiêu chuẩn và thúc đẩy việc thực thi hiệu quả các biện pháp pháp lý, quản lý và hoạt động nhằm chống lại hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí, cũng như các mối đe dọa khác liên quan đến tính thống nhất của hệ thống tài chính quốc tế. Thông qua sự hợp tác với các đối tác quốc tế, FATF cũng cố gắng xác định và giảm thiểu các tổn thương ở mức quốc gia, nhằm bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế khỏi sự lạm dụng và đe dọa.
Từ năm 2000, FATF đã duy trì "danh sách đen" và "danh sách xám". Danh sách đen đã buộc các tổ chức tài chính phải chuyển nguồn lực và dịch vụ ra khỏi các quốc gia được liệt kê trong danh sách này. Điều này đã tạo ra áp lực đối với các chủ thể kinh tế và chính trị trong nước ở các quốc gia được xếp hạng, buộc họ áp đặt áp lực lên chính phủ của họ để thực hiện các quy định tuân thủ của FATF./.