Xúc tiến thương mại năm 2024 có nhiều đổi mới
Kinh tế - Ngày đăng : 17:29, 27/02/2024
Linh hoạt trong xúc tiến thương mại
Đó là chia sẻ của ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Cụ thể, theo ông Phú, định hướng đầu tiên là tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Hai là, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công Thương ở trong nước và quốc tế.
Ba là, tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các Tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp.
Trước đó, năm 2023, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội đã triển khai tổ chức hàng ngàn sự kiện xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước.
Tiêu biểu nhất là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại với 121 đề án đã được thực hiện, trong đó có hơn 80 đề án tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương theo định hướng đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, thị trường tiềm năng, quảng bá năng lực xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thống kê sơ bộ kết quả các đề án thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trong năm qua đã hỗ trợ được hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia hưởng lợi trực tiếp (chưa tính các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng); hàng trăm hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp tác được ký trực tiếp tại các sự kiện với tổng giá trị đạt trên 125 triệu USD.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Vũ Bá Phú, năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, khó đoán định.
Trong khi đó, “mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay khoảng 6%” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết và nhận định con số này là sức ép rất lớn. Cách duy nhất đạt được mục tiêu là tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Muốn vậy, cần phải mở rộng mọi khả năng, gồm thị trường, sản phẩm, lĩnh vực, tăng cường năng lực sản xuất trong nước và sự tương hỗ giữa nhập khẩu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Còn Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cập nhật, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì một số tiêu chí cạnh tranh mới như xanh hóa và phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đặt ra cho các nhà cung cấp.
Vì vậy, khuyến nghị được ông Vũ Bá Phú đưa ra là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải chủ động nắm bắt thông tin, hiểu rõ về thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những cách thức hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường hiệu quả.
Đổi mới để nâng cao hiệu quả
Đề cập đến điểm mới trong công tác xúc tiến thương mại năm 2024, ông Vũ Bá Phú cho biết, đây là năm bắt đầu triển khai chuỗi sự kiện tại 6 vùng kinh tế: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại đây, nhiều hoạt động thiết thực như: Hội nghị xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ, Hội thảo, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại… sẽ được triển khai nhằm hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cũng như các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu.
Song song với đó, nhiều sự kiện xúc tiến thương mại tầm cỡ, quy mô lớn như Triển lãm Thương mại Quốc tế về May mặc, Dệt may và Công nghệ Dệt may; Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33; Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2024; Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu; Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024… sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM.
Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tại nước ngoài, cũng như quảng bá về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở nước ngoài.
Từ phía địa phương, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM nhấn mạnh, năm 2024, TP.HCM tiếp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản và tạo đột phá tại thị trường mới như châu Mỹ La tinh, thị trường Halal…
Đồng thời, tập trung xúc tiến kết nối giao thương giữa doanh nghiệp TP.HCM và doanh nghiệp nước ngoài, kết nối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn nhằm hỗ trợ cho nhóm sản phẩm chủ lực và nhóm sản phẩm bị sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm qua - ông Lữ chia sẻ.
Trong vai trò quản lý hoạt động xúc tiến thương mại tại một thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến xuất khẩu tại Hoa Kỳ; đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các đối tác, xác minh tư cách pháp nhân nhằm tránh các rủi ro trong giao dịch thương mại cho doanh nghiệp…/.