Phục hồi và bảo mật chuỗi cung ứng - Vai trò của kiểm toán nội bộ

Kiểm toán - Ngày đăng : 09:11, 29/02/2024

(BKTO) - Sự gián đoạn của thương mại toàn cầu trong những năm gần đây buộc các tổ chức phải xây dựng lại chiến lược về chuỗi cung ứng để trở nên linh hoạt và an toàn hơn. Đây là lúc kiểm toán nội bộ (KTNB) thể hiện vai trò của mình nhằm mang lại sự đảm bảo và dự đoán các rủi ro tiềm ẩn.
8-anh-suu-tam.png
Biểu đồ quản lý chuỗi cung ứng. Nguồn: ST

Xác định và quản lý rủi ro chuỗi cung ứng

Theo nghiên cứu của Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA), trong 3 năm qua, động lực để định hình lại rủi ro của chuỗi cung ứng được kết hợp bởi nhiều yếu tố, bao gồm: Những biến động địa chính trị, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tiến bộ công nghệ và các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và hậu đại dịch đã làm lộ rõ lỗ hổng của tất cả các chuỗi cung ứng, gây ra sự gián đoạn trên diện rộng.

Hơn nữa, các cuộc tấn công mạng, những thay đổi về nhân khẩu học, lực lượng lao động già đi cũng làm nảy sinh những lo ngại về nguồn lực và khả năng duy trì hoạt động dây chuyền. Những yếu tố này kết hợp lại đã thúc đẩy các tổ chức chuyển đổi nguồn cung cấp và có tới 46% các nhà lãnh đạo đang xem xét điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro trong vòng 12 tháng tới.

Các chuyên gia của IIA nhấn mạnh rằng, xác định và quản lý rủi ro chuỗi cung ứng không phải là hoạt động một lần mà là hoạt động liên tục để thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi. Nó liên quan đến việc phân tích một cách có hệ thống các khía cạnh của chuỗi cung ứng, bao gồm: Nhà cung cấp, hậu cần, môi trường pháp lý và động lực thị trường. Việc phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên các rủi ro là một bước cơ bản trong quá trình quản lý rủi ro chuỗi cung ứng.

Theo đó, các kiểm toán viên nội bộ cần giúp tổ chức xếp loại rủi ro, như: Rủi ro chiến lược (những thay đổi trong xu hướng thị trường, tiến bộ công nghệ, hoặc thay đổi sở thích của người tiêu dùng); Rủi ro hoạt động (các vấn đề hậu cần, sự gián đoạn của nhà cung cấp, sự cố kiểm soát, công nghệ); Rủi ro tài chính (biến động về tiền tệ, giá hàng hóa, chi phí); Rủi ro tuân thủ (các quy định và tiêu chuẩn); Rủi ro danh tiếng (thu hồi sản phẩm, đạo đức, vi phạm dữ liệu). Quá trình phân loại rủi ro giúp các tổ chức nâng cao nhận thức về rủi ro, cải thiện khả năng đánh giá, tối ưu hóa phân bổ nguồn lực để giảm thiểu rủi ro và chủ động trong việc triển khai phương pháp quản lý.

Ngoài ra, KTNB hỗ trợ các tổ chức tuân thủ các quy định liên quan chuỗi cung ứng và đề xuất điều chỉnh các quy trình nội bộ để tăng cường sự tuân thủ. Đối với các khía cạnh hoạt động của chuỗi cung ứng, các kiểm toán viên cần quan tâm tính hiệu quả của quá trình, phân bổ nguồn lực và quản lý rủi ro. Thông qua các hoạt động đánh giá thường xuyên, KTNB không chỉ giúp tổ chức điều chỉnh chiến lược đáp ứng những thách thức hiện tại, mà còn đảm bảo tính bền vững và phù hợp với mục tiêu dài hạn của tổ chức.

Sử dụng các công cụ hỗ trợ và công nghệ phân tích dữ liệu

Nghiên cứu của IIA chỉ ra rằng, các tổ chức áp dụng chiến lược bảo mật chuỗi cung ứng toàn diện và tận dụng khả năng cuả KTNB sẽ có vị thế tốt hơn và dễ dàng vượt qua những thách thức phức tạp ở phía trước. Các chiến lược được nêu ở đây thể hiện thông qua các phương pháp tiếp cận nâng cao tính bảo mật và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, cho phép các tổ chức xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro, đồng thời đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh.

Theo đó, để xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt, các tổ chức buộc phải hình thành mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp. KTNB có thể tận dụng công nghệ để giúp tổ chức nâng cao sự hợp tác này thông qua việc phân tích dữ liệu lịch sử về nhà cung cấp, sự gián đoạn nguồn cung trước đó và các vấn đề tài chính để xác định xu hướng và hành vi của các nhà cung cấp cụ thể. Các kiểm toán viên cũng có thể tận dụng cơ hội này để cung cấp sự đảm bảo liên tục, đồng thời cải thiện quyết định của lãnh đạo khi tìm nguồn hàng và dịch vụ phù hợp.

Đặc biệt, KTNB có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu lớn, bao gồm các xu hướng, thị trường và các yếu tố bên ngoài, từ đó dự báo những biến động của nhu cầu, sự gián đoạn tiềm ẩn của chuỗi cung ứng và tối ưu hóa mức tồn kho để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Kiểm toán viên nội bộ cũng có thể phát triển mô hình xử lý và đánh giá độ tin cậy, chính xác của dữ liệu và những phân tích dự đoán. Đồng thời, đảm bảo sự sẵn có của dữ liệu liên quan và xem xét các quy định về bảo mật dữ liệu. Điều này đòi hỏi KTNB cần có những đánh giá chính sách và thủ tục quản trị dữ liệu, xem xét kỹ lưỡng thực hành xử lý dữ liệu, đánh giá bảo mật dữ liệu và đề xuất các cải tiến để nâng cao khả năng phục hồi dữ liệu của chuỗi cung ứng.

Những hiểu biết sâu sắc và giám sát của KTNB cho phép các tổ chức điều chỉnh chiến lược trong thời gian thực, duy trì khả năng phục hồi và tính toàn vẹn của nguồn cung cấp. Việc áp dụng công nghệ trong quản trị chuỗi cung ứng không chỉ là một lựa chọn mà còn là một điều cần thiết, giúp kiểm toán viên nâng cao khả năng phân tích và điều hướng sự phức tạp của chuỗi cung ứng hiện đại./.

KTNB cần lên kế hoạch cụ thể để đánh giá rủi ro, xác định rủi ro tiềm ẩn và điểm yếu của chuỗi cung ứng thông qua phân tích dữ liệu lịch sử, quy trình hiện tại và kế hoạch để xác định các khu vực có thể phát sinh rủi ro. Đồng thời, KTNB cần thường xuyên đánh giá an ninh mạng cũng như khả năng của tổ chức trong việc phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa mạng; kiểm tra sức chịu đựng của tổ chức trước những gián đoạn khác nhau.

THÙY LÊ