Kiểm kê khí nhà kính: Thách thức đã được nhận diện
Kinh tế - Ngày đăng : 09:13, 29/02/2024
Khó khăn về con người, tài chính, kinh nghiệm
Kiểm kê KNK là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải KNK từ các nguồn phát thải. Kết quả kiểm kê là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia. Đây cũng là căn cứ để Nhà nước phân bổ hạn ngạch phát thải KNK đến từng cơ sở phát thải lớn - tiền đề của các hoạt động trao đổi, mua bán hạn ngạch và tín chỉ carbon tại Việt Nam, trước mắt là giai đoạn 2026-2030.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết các cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK. Trong đó, mục tiêu giảm phát thải KNK của Việt Nam đến năm 2030 là 27% so với kịch bản phát triển thông thường. Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có tên trong danh mục bắt buộc thực hiện kiểm kê KNK gồm 1.912 cơ sở thuộc các ngành: Công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường (TNMT). Trong khi đó, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon nêu rõ, từ năm 2024 trở đi, các đơn vị phải thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở; xây dựng báo cáo kiểm kê KNK cấp cơ sở định kỳ 2 năm 1 lần gửi ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025.
Năm 2023, các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, TNMT đã thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý năm 2022 gửi Bộ TNMT kết quả kiểm kê. Theo quy định, các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải, hấp thụ KNK phải ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cho các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý. Đến nay, Bộ TNMT, Bộ Công Thương đã ban hành đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng chưa ban hành.
Chuyên gia Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT - ông Lương Quang Huy - cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai một cách bài bản các cam kết kể từ Hội nghị COP28 với cam kết đến năm 2035 phải cắt giảm KNK về 0. Do đó, các Bộ, ngành đã ban hành các quy định cũng như định mức phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế mà quên đi hạn mức phát thải cho phép, dẫn đến việc vi phạm và phải nộp phạt, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương - ông Hoàng Văn Tâm - chia sẻ, kinh nghiệm qua đợt kiểm kê của ngành công thương với số lượng lên tới hơn 1.600 cơ sở (chiếm khoảng 2/3 danh mục) cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu được hướng dẫn về kiểm kê và báo cáo thẩm định kết quả kiểm kê. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, hạn chế về nguồn lực con người và tài chính, hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, khiếm khuyết, chưa đồng bộ về số liệu.
Đáng nói, phân tích của giới chuyên gia và thực tiễn cho thấy, kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK là lĩnh vực mới, các đơn vị triển khai đều thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải KNK. Công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải KNK cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê KNK và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất…
Hoàn thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Hoàng Văn Tâm, để kiểm kê KNK từ cơ sở, bài học kinh nghiệm là phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của các bên có liên quan; từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê KNK và đào tạo, tập huấn kiểm kê KNK cho các bên liên quan.
Còn theo ông Lương Quang Huy, doanh nghiệp phải hiểu cặn kẽ và nắm rõ các quy định sẽ giúp họ tránh được các tổn thất cả về tài chính lẫn thương hiệu. Thực chất, chính các hoạt động tăng hiệu suất năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm điện... đã có yếu tố giảm phát thải trong đó. Vấn đề là, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang lượng giảm phát thải KNK tương đương và có con số cụ thể từ những nguồn nào. Kiểm kê KNK sẽ giúp cơ quan quản lý ghi nhận kết quả giảm phát thải của doanh nghiệp để đề xuất cập nhật danh mục cơ sở giảm phát thải, cũng như phân bổ hạn ngạch.
“Thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các cơ sở tự thực hiện kiểm kê KNK trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024. Bộ TNMT đang hoàn thiện hệ thống báo cáo trực tuyến và sẽ thí điểm cho kỳ kiểm kê năm 2024. Thay vì phải thực hiện thủ công, công tác báo cáo kết quả kiểm kê sẽ được số hóa và trở nên đơn giản hơn. Đây sẽ là kho dữ liệu thống nhất, phục vụ công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải KNK một cách hiệu quả thời gian tới” - ông Huy cho hay.
Chuyên gia tư vấn thuộc Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam - ông Huỳnh Thành Trung - khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm KNK để thích ứng với chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường và thay đổi theo chuỗi cung ứng của thế giới. Ông Trung dẫn chứng: Trong các nhà máy, điện năng - nhiên liệu chiếm tỷ trọng cao từ 60-95% tổng lượng năng lượng tiêu thụ và là nguồn phát thải CO2. Vậy doanh nghiệp sẽ bắt tay vào tìm các giải pháp từ đây, áp dụng các giải pháp giảm sử dụng năng lượng và chuyển đổi sang số liệu về lượng giảm phát thải KNK so với trước khi chưa áp dụng các biện pháp.
“Cần nhấn mạnh, doanh nghiệp nên tập trung vào giải pháp về chuyển đổi công nghệ, cải tiến kỹ thuật và đem lại hiệu quả quản trị tổng thể cao. Điều này cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận với các quỹ đầu tư, tài chính khí hậu quốc tế dễ dàng hơn” - ông Trung lưu ý.
Giới chuyên gia nhận định, kiểm kê KNK là quy định mới tại Việt Nam và tương đối phức tạp nên phần lớn doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức phát triển cần có kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu, nắm được quy trình, phương pháp đo đạc và lập báo cáo kiểm kê KNK cho đúng với các quy định./.
Bộ TNMT đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK cập nhật. Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg.