Hoa Kỳ: Khuyến nghị Hội đồng Ổn định tài chính phát huy tối đa quyền hạn
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 14:20, 29/02/2024
Năm 2010, FSOC được thành lập trên cơ sở Đạo luật Cải cách phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng để xác định và ứng phó với các mối đe dọa mới nổi đối với hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.
Kiểm toán viên của GAO đã rà soát việc FSOC sử dụng thẩm quyền trong ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn đối với việc ổn định tài chính, bao gồm cách thức FSOC sử dụng quyền hạn của tổ chức; mức độ các thẩm quyền và thủ tục của FSOC hỗ trợ tổ chức ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn; mức độ FSOC đánh giá các thủ tục và cơ cấu quản trị của tổ chức giúp FSOC ứng phó với đe dọa tiềm tàng.
GAO đánh giá, FSOC đã thường xuyên sử dụng quyền hạn của tổ chức để đưa ra các kiến nghị trong báo cáo thường niên nhằm giải quyết các rủi ro về ổn định tài chính. FSOC cũng sử dụng quyền hạn của Hội đồng để kiến nghị các cơ quan quản lý áp dụng các tiêu chuẩn mới đối với một số hoạt động hoặc thông lệ tài chính nhất định.
Tuy nhiên, GAO chỉ ra rằng, trong những năm gần đây FSOC chưa tận dụng hết những quyền hạn của tổ chức. Từ năm 2013, FSOC đã thực hiện 3 cuộc đánh giá nội bộ về chính sách, thủ tục và cơ cấu quản trị, nhưng những đánh giá này không thể hiện sự bao quát, toàn diện về tất cả các hoạt động của Hội đồng. FSOC cũng không có quy trình để xác định những khía cạnh hoạt động nào cần đánh giá và khi nào cần tiến hành đánh giá.
GAO nhấn mạnh, các đánh giá thường xuyên và toàn diện của FSOC về tính hiệu quả của các chính sách, thủ tục và cơ cấu quản trị có thể giúp tổ chức xác định những lĩnh vực cần cải thiện; từ đó, nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro hệ thống. Ví dụ, những vụ ngân hàng phá sản trong những năm gần đây đã giúp FSOC có cơ hội để đánh giá lại các thủ tục của tổ chức nhằm xác định và theo dõi các kiến nghị trong báo cáo mà tổ chức đưa ra liên quan đến rủi ro lãi suất (một yếu tố dẫn đến các vụ phá sản) có mang lại hiệu quả không.
Nêu bật những hạn chế về thẩm quyền của FSOC có thể ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với rủi ro hệ thống của tổ chức, GAO kiến nghị Quốc hội xem xét những thay đổi về mặt lập pháp để điều chỉnh thẩm quyền của FSOC nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ ứng phó với các rủi ro hệ thống. GAO khẳng định, việc điều chỉnh này sẽ giúp FSOC ứng phó hiệu quả với những rủi ro mà thẩm quyền hiện nay của FSOC không làm được.
Từ trước tới nay, GAO luôn đưa ra các ý kiến giúp FSOC ứng phó hiệu quả hơn với các rủi ro hệ thống. Kiến nghị Quốc hội cần xem xét thực hiện những thay đổi về mặt lập pháp để điều chỉnh thẩm quyền của FSOC với nhiệm vụ ứng phó với rủi ro cũng từng được đưa ra vào năm 2016.
Trong cuộc kiểm toán này, GAO cũng đưa ra khuyến nghị, Sở Tài chính cần đảm bảo việc FSOC thiết lập một quy trình đánh giá thường xuyên và toàn diện về hiệu quả hoạt động của tổ chức, bao gồm việc đánh giá mức độ mà các chính sách, thủ tục và cơ cấu quản trị của FSOC tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức có khả năng ứng phó tốt hơn với các rủi ro tài chính./.
(Theo GAO)