Quyết liệt đổi mới hoạt động giám sát

Đối nội - Ngày đăng : 06:15, 28/07/2016

(BKTO)- Cải cách tổ chức bộ máy hành chínhnhà nước; an toàn thực phẩm là 2 chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tậptrung giám sát trong Chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội, trên cơ sở đềxuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).



Chương trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Ảnh: TK
Giám sát để tăng trưởng… niềm tin

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị của các cơ quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, sáng 25/7, chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” được nhiều đại biểu đề nghị lựa chọn giám sát.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), đánh giá 4 nội dung giám sát chuyên đề trình Quốc hội đều là những vấn đề rất nóng, bức xúc hiện nay, nhưng nhìn tổng thể thì tất cả bức xúc đó có chung nguyên nhân là sự vận hành bộ máy nhà nước và thực thi công vụ của công chức, viên chức. “Nếu có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ biết trách nhiệm, bổn phận của mình thì không có nền hành chính còn nhiều ách tắc, phiền hà, đầu tư dàn trải kém hiệu quả để hàng triệu đô la lãng phí mỗi năm góp thêm vào nợ công; không có việc xả thải làm ô nhiễm và huỷ diệt môi trường khủng khiếp như ở Miền trung vừa qua...” - ông Nguyễn Sỹ Cương bức xúc.

Do đó, đại biểu đồng tình cao với chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Trong đó, nội dung giám sát cần đi vào cụ thể để làm rõ việc thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan tổ chức hành chính các cấp và cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Theo đại biểu Cương, việc giám sát từ đầu nhiệm kỳ sẽ góp phần kiện toàn, củng cố bộ máy vững mạnh. Cuộc giám sát sẽ giúp tăng trưởng không phải về kinh tế mà là tăng trưởng về mặt niềm tin của người dân với Nhà nước, với chế độ. Cuộc giám sát cũng góp phần vào xây dựng Luật Hành chính công đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ này.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, đây là nội dung quan trọng, cần đặt ra để có bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính. Ông Phương nêu thực tế: “Bộ máy của chúng ta gần như kín, từ thôn xóm, tổ dân phố trở lên, chức năng đầy đủ, chặt chẽ nhưng tại sao vẫn xảy ra rất nhiều chuyện để người dân ai oán?”. Theo đại biểu, gốc rễ của vấn đề vẫn là ở bộ máy. Vì vậy, cần tập trung giám sát, đánh giá được thực trạng bộ máy và công chức, chỉ ra những yếu kém để khắc phục. Đồng thời, cần xem lại việc quy trách nhiệm cá nhân để tránh đổi lỗi loanh quanh.

Sốt ruột trước sức nóng của vấn nạn mất an toàn thực phẩm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), đề nghị Quốc hội giám sát vấn đề này nhằm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị đe dọa, cuộc sống, sức khỏe của người dân. Trong đó, tập trung làm rõ, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng về trách nhiệm quản lý nhà nước; đồng thời làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ đánh giá, tổng kết, xem xét việc sửa đổi, bổ sung luật An toàn thực phẩm nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này. Đây cũng là quan điểm được đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang); đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác chia sẻ tại phiên thảo luận.

Khắc phục bệnh hình thức, chú trọng hiệu quả

Cùng với đề xuất các vấn đề cần tập trung giám sát, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, nhận xét hoạt động giám sát của Quốc hội vừa qua vẫn còn hình thức, chưa thật sự quyết liệt và mạnh mẽ để thể hiện hết vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Theo đại biểu, đổi mới hoạt động Quốc hội thì cần đổi mới ngay hoạt động giám sát, bởi giám sát thể hiện rõ nét vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất, thúc đẩy sự điều hành hiệu quả của các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng chỉ rõ, các báo cáo của các địa phương, các ngành về giám sát, các thông tin về số liệu báo cáo cho đoàn giám sát chưa kịp thời và nhiều số liệu thiếu chính xác; thiếu sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, của các cơ quan chức năng với đoàn giám sát; thành phần đoàn giám sát chưa đầy đủ. Kết quả tiếp thu, xử lý sau giám sát không đeo bám đến cùng…nên ảnh hưởng đến chất lượng giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), đề nghị, quá trình tổ chức giám sát phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương, từ Quốc hội đến các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội phải vào cuộc. Đồng thời, cần có biện pháp, giải pháp để khắc phục cho được tính hình thức trong hoạt động giám sát. Kết luận giám sát phải phản ánh được thực trạng tình hình và phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện kết luận giám sát.
ĐĂNG KHOA