Phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới
Xã hội - Ngày đăng : 22:49, 07/03/2024
Tiếp nối các hoạt động “Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên” nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương (T.Ư) Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát huy tập tục văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trong thúc đẩy bình đẳng giới” tại Điện Biên mới đây.
Theo thông tin tại Hội thảo, nhằm cụ thể chủ trương của Đảng, trong nhiều nhiệm kỳ, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, gắn với phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS.
Hội LHPN các cấp đã tập trung triển khai các Chương trình, Đề án, Dự án hỗ trợ nâng cao đời sống phụ nữ DTTS như: tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ được triển khai và mang lại nhiều kết quả tích cực. Các tập tục văn hóa tốt đẹp, thông qua người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được lưu giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ”.
Đối với hoạt động của Dự án 8, tính đến tháng 02/2024, theo kết quả rà soát, tổng hợp của T.Ư Hội tại 28/50 tỉnh, thành thuộc địa bàn dự án đã thành lập được 316 mô hình/hoạt động về phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới với khoảng 26.630 thành viên tham gia.
Hầu hết các mô hình/hoạt động tập trung vào 3 nhóm: Nhóm mô hình/hoạt động gắn với văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống; Nhóm mô hình/hoạt động gắn với duy trì, bảo tồn, phát huy văn hoá gắn với làng nghề truyền thống; Nhóm mô hình/hoạt động về phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Đối tượng của các mô hình/hoạt động không chỉ có phụ nữ mà còn có sự tham gia rất tích cực của nhiều nam giới trong cộng đồng tại các khu vực DTTS và miền núi.
Các mô hình/hoạt động đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa/tinh thần và cải thiện quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ, giúp chị em tự tin, có tiếng nói hơn trong gia đình, trực tiếp tham gia và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Sự tham gia chủ động, tích cực của hội viên, phụ nữ trong các hoạt động văn hoá gắn với phát triển kinh tế cũng góp phần nâng cao nhận thức xã hội, sự nhìn nhận của cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của nam giới, chung tay vì mục tiêu bình đẳng giới.
Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính là: tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu về phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới; toạ đàm, giao lưu với các khách mời đến từ các mô hình, hoạt động của địa phương là những nhân vật điển hình với những đóng góp tích cực trong tuyên truyền, vận động xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tích cực duy trì, phát huy bản sắc truyền thống gắn với thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng./.