Quản lý thuế thương mại điện tử quyết liệt, hiệu quả hơn nữa
Tài chính - Ngày đăng : 14:08, 07/03/2024
Thương mại điện tử tạo ra thách thức trong việc thu thuế
Bộ Công Thương cho biết, TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD. Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Năm 2023, TMĐT Việt Nam tăng trưởng 25% với doanh thu đạt 20,5 tỷ USD và thuộc top đầu của thế giới; riêng 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) tăng 52,3% so với năm 2022. Dự báo năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt 650.000 tỷ đồng, trong đó 5 sàn TMĐT nói trên có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2023...
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhận định, với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, TMĐT đã trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược trên thế giới. Sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan thuế, đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.
Ông Mai Xuân Thành cho biết, để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Tổng cục Thuế đã xây dựng, đề xuất, triển khai các giải pháp quản lý thuế trong ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Đến nay, Cổng thông tin sàn TMĐT đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin. Ngành thuế đã thực hiện rà soát, quản lý thuế đối với 5.826 doanh nghiệp và 23.192 cá nhân kinh doanh qua sàn giao dịch TMĐT. 84 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN của Tổng cục Thuế. Trong đó, có 67 NCCNN đã kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2024, các nhà cung cấp nước ngoài lớn như: Meta - đơn vị sở hữu Facebook, Microsoft, Google, Apple, TikTok… đã nộp 2.030 tỷ đồng tiền thuế...
Ngành thuế phải tập trung quản lý thu thuế trên sàn TMĐT trong nước, phối hợp với các ngành trong triển khai, xử lý các trường hợp vi phạm. Đây là việc khó và mới nhưng yêu cầu ngành thuế thực hiện quyết liệt, minh bạch, đúng đắn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Nhiều giải pháp ngăn tình trạng thất thu thuế thương mại điện tử
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn còn hạn chế. Cơ quan thuế phải rà soát thực tế quản lý thuế tại các địa phương để đưa ra các giải pháp nhằm quản lý thu thuế với TMĐT hiệu quả hơn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng, để thu thuế TMĐT đạt hiệu quả hơn, ngành thuế thống nhất nhận diện đối tượng tham gia kinh doanh TMĐT, đề xuất giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng. Cần đặc biệt lưu ý phương pháp quản lý thuế và cách thức thu thập thông tin thông qua chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, NCCNN không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán...
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị đơn vị chủ trì có báo cáo toàn diện công tác quản lý thuế với TMĐT, đánh giá những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị cụ thể các giải pháp quản lý theo từng nhóm đối tượng để chống thất thu thuế TMĐT.
Để quản lý hiệu quả nguồn thu này, năm 2024, Tổng cục Thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp ngăn tình trạng thất thu thuế TMĐT. Tổng cục Thuế chủ động phối hợp với các Bộ, ngành ký kết thỏa thuận, chương trình phối hợp; phối hợp với ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch thanh toán của NCCNN; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ dữ liệu NCCNN phát sinh thu nhập tại Việt Nam, cá nhân có doanh thu phát sinh từ quảng cáo. Ngoài ra, để tăng cường việc thu thuế TMĐT, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với Bộ, ngành để quản lý đầy đủ NCCNN, doanh nghiệp sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Ngành thuế cũng xây dựng công cụ thu thập dữ liệu tự động đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến phục vụ công tác quản lý thuế.
Để triển khai các giải pháp này trong ngành, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về cung cấp thông tin TMĐT đến toàn bộ người nộp thuế (NNT), đặc biệt tới các tổ chức là chủ sở hữu sàn TMĐT; chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ NNT là hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dịch vụ số thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục rà soát, phối hợp với sở công thương để trao đổi thông tin với các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Trường hợp thông tin khai thác trên cơ sở dữ liệu có chênh lệch so với số tự kê khai của NNT, cơ quan thuế yêu cầu NNT giải trình bằng các hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp pháp (xác nhận thanh toán hoặc tài liệu khác có thông tin về xác nhận doanh thu giữa NNT và sàn TMĐT...) hoặc báo cáo thu nhập sẵn có thể tự in trực tiếp từ hệ thống của sàn TMĐT và NNT cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác. Trường hợp các cá nhân không hợp tác, không phản hồi thông báo của cơ quan thuế thì lựa chọn một số trường hợp điển hình, báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế xây dựng chương trình phối hợp với các sở, ngành địa phương kiểm tra tại địa bàn để xác định chính xác tình hình thực tế, đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.../.