Phần Lan: Đánh giá hiệu quả của các hình thức hỗ trợ đối với ngành lâm nghiệp
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 14:09, 07/03/2024
Các chương trình hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả lớn
Ba hình thức tài trợ lớn nhất cho ngành lâm nghiệp tư nhân tại Phần Lan gồm: Trợ cấp theo Chương trình hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững có thời hạn (Kemera), Chương trình đa dạng sinh học rừng cho miền Nam Phần Lan (Metso) và các chương trình trợ cấp thuế.
Cuộc kiểm toán của FNAO được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của các hình thức hỗ trợ đối với ngành lâm nghiệp tư nhân, tập trung vào mục tiêu thúc đẩy sản xuất gỗ và bảo vệ đa dạng sinh học. FNAO cũng đánh giá cách thức hoạt động của các chương trình tài trợ nói chung liên quan đến 2 mục tiêu chính này.
FNAO cho biết, Nhà nước đã hỗ trợ việc khai thác, sản xuất gỗ ở các khu rừng tư nhân trong nhiều thập kỷ qua. Chương trình trợ cấp Kemera do Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp quản lý đã được triển khai từ năm 1997. Đến nay, chương trình này hầu như không thay đổi mặc dù môi trường hoạt động của ngành lâm nghiệp đã có những thay đổi đáng kể.
Khoảng 80-90% trợ cấp của Kemera đã được sử dụng để thúc đẩy hoạt động sản xuất gỗ. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, cần có bằng chứng rõ ràng hơn về tác động của việc trợ cấp sản xuất gỗ. Ngoài ra, khi thị trường gỗ hoạt động tốt và có tiềm năng phát triển, một số khoản hỗ trợ chưa tương xứng, chưa kịp thời.
Nhà nước cũng chú trọng việc thúc đẩy sản xuất gỗ và cung cấp nhiều khoản trợ cấp thuế khác. Tuy nhiên, đến nay, ảnh hưởng và tác dụng của các khoản trợ cấp thuế đối với lâm nghiệp tư nhân chưa được nghiên cứu, thống kê cụ thể. Các khoản trợ cấp thuế cũng không được tính đến khi các quyết định trợ cấp trực tiếp cho hoạt động sản xuất gỗ được đưa ra.
Mục tiêu khác của Chương trình Kemera là bảo vệ đa dạng sinh học của rừng. Mục tiêu này đạt được chủ yếu nhờ các dự án quản lý thiên nhiên và trợ cấp môi trường. Tình trạng môi trường cụ thể đã được đưa vào các điều kiện để được hưởng trợ cấp Kemera cho hoạt động sản xuất gỗ. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này chưa được theo dõi sát sao. FNAO đánh giá, các khoản trợ cấp cho sản xuất gỗ và các điều kiện nhận trợ cấp chưa hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đa dạng sinh học.
Nguồn tài trợ của Chương trình Metso bao gồm các khoản trợ cấp bảo vệ môi trường và trợ cấp quản lý thiên nhiên trong 10 năm do Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu cấp. FNAO đánh giá, có thể vào năm 2025, Chương trình sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra nếu có sự hỗ trợ của các khoản trợ cấp từ Chương trình Kemera.
Trong những năm gần đây, các khoản trợ cấp, đền bù trực tiếp của Chính phủ Phần Lan cho các chủ sở hữu rừng tư nhân lên tới khoảng 70-100 triệu euro, các khoản trợ cấp thuế gián tiếp lên tới gần 170 triệu euro mỗi năm.
Chung tay đóng góp vào công tác bảo vệ rừng
Qua các phát hiện kiểm toán, FNAO khẳng định rằng, để thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển, đồng thời đạt được các mục tiêu sản xuất gỗ và bảo vệ đa dạng sinh học, các Bộ, ban, ngành và khu vực tư nhân cần nỗ lực, chung tay và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài trợ.
FNAO kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp cùng Bộ Tài chính Phần Lan cần tiến hành đánh giá các chương trình viện trợ trực tiếp và trợ cấp thuế của Nhà nước dành cho sản xuất gỗ. Đặc biệt, 2 Bộ cần tập trung đánh giá tiến độ cập nhật và tất cả tác động, lợi ích của các khoản viện trợ, so sánh với chi phí để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.
Để ngày càng đạt được nhiều mục tiêu đặt ra cho các khu rừng tư nhân, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Bộ Tài chính cùng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu cần phối hợp xây dựng các kế hoạch phân bổ tài trợ, bổ sung điều kiện nhận trợ cấp và giám sát các khoản trợ cấp, bồi thường, các chương trình hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp tư nhân.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp cần tăng cường giám sát hiệu quả của các hình thức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gỗ, bao gồm giám sát tác động của chúng đối với đa dạng sinh học và các tác động môi trường khác.
FNAO gợi ý, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp cùng Bộ Môi trường có thể phối hợp, tìm hiểu các cách thức để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng kinh phí, hiệu quả của việc bảo vệ đa dạng sinh học rừng ở khu vực miền Nam Phần Lan. Hai Bộ nên thực hiện các nghiên cứu xem xét tính phù hợp của các thỏa thuận hợp tác, các mô hình đền bù, đánh giá về hiệu quả hoạt động, lợi ích đối với công tác bảo tồn và hiệu quả chi phí của việc bảo vệ rừng tư nhân, so sánh với bảo vệ rừng thuộc sở hữu nhà nước để đưa ra những kế hoạch hoạt động mang lại nhiều tác động tích cực hơn, góp phần sử dụng ngân sách công hiệu quả hơn./.
(Theo FNAO, vtv.fi và tổng hợp)